Câu 1 [594776]: Cơ quan tương đồng là
A, những cơ quan nằm ở những vị trí khác nhau trên một cơ thể, có cùng nguồn gốc trong quá trình phát triển phôi cho nên có kiểu cấu tạo giống nhau.
B, những cơ quan nằm ở những vị trí tương ứng trên cơ thể, có nguồn gốc khác nhau trong quá trình phát triển phôi cho nên có kiểu cấu tạo giống nhau.
C, những cơ quan nằm ở những vị trí tương ứng trên cơ thể, có cùng nguồn gốc trong quá trình phát triển phôi cho nên có kiểu cấu tạo giống nhau.
D, những cơ quan nằm ở những vị trí khác nhau trên cơ thể, có các chức năng tương tự nhau cho nên có kiểu cấu tạo giống nhau.
Cơ quan tương đồng là những cơ quan nằm ở những vị trí tương ứng trên cơ thể, có cùng nguồn gốc trong quá trình phát triển phôi cho nên có kiểu cấu tạo giống nhau. Đáp án: C
Câu 2 [594777]: Theo Darwin, đối tượng của chọn lọc tự nhiên là
A, quần thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên loài sinh vật có kiểu gene quy định các đặc điểm thích nghi với môi trường.
B, các cá thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên các quần thể sinh vật có kiểu gene quy định kiểu hình thích nghi với môi trường.
C, quần thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên các loài sinh vật có sự phân hoá về mức độ thành đạt sinh sản.
D, các cá thể nhưng kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên loài sinh vật có các đặc điểm thích nghi với môi trường.
A, C sai vì đối tượng của chọn lọc tự nhiên theo Darwin là cá thể chứ không phải quần thể. Quần thể là đối tượng được quan niệm tiến hoá hiện đại bổ sung.
C sai vì kết quả của chọn lọc tự nhiên lại tạo nên các loài sinh vật có sự phân hoá về mức độ thành đạt sinh sản là kết quả được quan niệm tiến hoá hiện đại bổ sung còn theo Darwin chỉ là phân hoá về khả năng sống sót. Đáp án: D
Câu 3 [594778]: Tiến hoá lớn là
A, quá trình hình thành các nhóm phân loại dưới loài như : Quần thể, cá thể, mô.
B, quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài như : Quần thể, quần xã, hệ sinh thái.
C, quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài như : Quần xã, chi, họ, lớp, ngành.
D, quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài như : Chi, họ, bộ, lớp, ngành.
Tiến hoá lớn là quá trình hình thành các nhóm phân loại trên loài như : Chi, họ, bộ, lớp, ngành. Đáp án: D
Câu 4 [594779]: Trong tiến hoá nhỏ, quá trình đột biến có vai trò
A, tạo ra nguồn nguyên liệu thứ cấp cho quá trình tiến hoá, làm cho quần thể đa hình từ đó kiểu hình có lợi giúp sinh vật thích nghi.
B, tạo ra nguồn nguyên liệu sơ cấp cho quá trình tiến hoá, làm cho mỗi loại tính trạng của loài có phổ biến dị phong phú.
C, tạo ra nhiều biến dị tổ hợp làm cho quần thể đa dạng và phong phú là nguồn nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên.
D, tạo ra nguồn nguyên liệu thứ cấp cho quá trình tiến hoá, làm cho mỗi loại tính trạng của loài có phổ biến dị phong phú.
Đột biến là nguồn cung cấp nguyên liệu sơ cấp cho quá trình tiến hoá, vì nó tạo ra các biến dị di truyền ban đầu trong quần thể. Đột biến làm thay đổi trình tự DNA và từ đó tạo ra các alen mới. Những alen này có thể dẫn đến sự đa dạng về các kiểu hình khác nhau, từ đó có thể được chọn lọc bởi chọn lọc tự nhiên. Đột biến tạo ra phổ biến dị phong phú cho mỗi tính trạng, cung cấp các dạng biến dị để quá trình chọn lọc tự nhiên hoạt động. Đáp án: B
Câu 5 [594780]: Theo quan niệm hiện đại. Thực chất của chọn lọc tự nhiên là
A, sự phân hoá khả năng nguỵ trang của các cá thể có kiểu gene khác nhau trong quần thể.
B, sự phân hoá khả năng kiếm mồi của các cá thể có kiểu gene khác nhau trong quần thể.
C, sự phân hoá khả năng sinh sản của các cá thể có kiểu gene khác nhau trong quần thể.
D, sự phân hoá khả năng tự vệ của các cá thể có kiểu gene khác nhau trong quần thể.
Theo quan niệm của Darwin: Thực chất của chọn lọc tự nhiên là sự phân hoá về khả năng sống sót của các cá thể trong quần thể.
Nhưng các cá thể sống sót mà không có khả năng đóng góp vốn gene vào thế hệ sau thì không có ý nghĩa với tiến hoá.
Vì thế, theo quan niệm hiện đại, chọn lọc tự nhiên thực chất là sự phân hoá khả năng sinh sản của các cá thể có kiểu gene khác nhau trong quần thể. Đáp án: C
Câu 6 [594781]: Trong cùng một khu vực địa lí, các quần thể của loài được chọn lọc theo hướng thích nghi với những điều kiện sinh thái khác nhau, hình thành các nòi sinh thái rồi đến loài mới là nội cung của phương thức hình thành loài bằng con đường
A, sinh thái.
B, địa lí.
C, đa bội khác nguồn.
D, đa bội cùng nguồn.
Hình thành loài bằng con đường sinh thái xảy ra khi các quần thể của cùng một loài sinh sống trong cùng một khu vực địa lý nhưng chịu tác động của các áp lực chọn lọc khác nhau từ các điều kiện sinh thái khác nhau. Sự khác biệt về môi trường sống, thói quen sinh thái hoặc nguồn tài nguyên có thể dẫn đến sự phân hoá di truyền và sự xuất hiện của các nòi sinh thái. Theo thời gian, sự cách ly sinh sản có thể phát sinh, dẫn đến hình thành loài mới. Đáp án: A
Câu 7 [594782]: Phát biểu nào sau đây là đúng khi nói về quá trình hình thành loài mới?
A, Quá trình hình thành quần thể thích nghi luôn dẫn đến hình thành loài mới.
B, Sự cách li địa lí tất yếu dẫn đến sự hình thành loài mới.
C, Sự hình thành loài mới không liên quan đến quá trình phát sinh các đột biến.
D, Quá trình hình thành quần thể thích nghi không nhất thiết dẫn đến hình thành loài mới.
Một quần thể có thể thích nghi với điều kiện môi trường mà không nhất thiết dẫn đến việc hình thành loài mới. Thích nghi là quá trình giúp quần thể tồn tại và phát triển trong môi trường cụ thể, nhưng để hình thành loài mới cần có thêm các cơ chế như cách ly sinh sản hoặc sự phân hoá di truyền đủ lớn giữa các quần thể. Vì vậy, thích nghi không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hình thành loài mới. Đáp án: D
Câu 8 [594783]: Khi nói về bằng chứng tế bào góp phần giải thích về nguồn gốc chung của sinh giới có các phát biểu sau:
(A) Tế bào là đơn vị cấu tạo và chức năng của mọi cơ thể sinh vật.
(B) Tế bào thực vật có lục lạp và màng cellulose còn tế bào động vật thì không.
(C) Tế bào các loài đều có thành phần hoá học và có nhiều đặc điểm cấu trúc tương tự nhau.
(D) Cơ sở của sự sinh sản dựa vào quá trình phân bào.
Số phát biểu có nội dung đúng là bao nhiêu (Nhập đáp án vào ô trống)?
Đáp án: __________
Đáp án: 3
Từ nghiên cứu về cấu trúc của tế bào động, thực vật và vi khuẩn M.Schleiden (1838) và T.Schwann (1839) đã hình thành học thuyết tế bào cho rằng:
- Tất cả các sinh vật từ đơn bào đến động, thực vật đều có cấu tạo tế bào. Tế bào là đơn vị cơ bản tạo nên mọi cơ thể sống.
- Mọi tế bào đều sinh ra từ tế bào trước đó và không có sự hình thành tế bào ngẫu nhiên từ chất vô sinh, sự lớn lên, sự sinh sản của mọi cơ thể đa bào đều liên quan đến sự phân chia tế bào.
Thuyết tế bào cho thấy nguồn gốc thống nhất của sinh giới, nghĩa là mọi sinh vật đều có cùng nguồn gốc.
Xét các bằng chứng của đề bài:
(A) đúng.
(B) sai vì ở đây nói lên 2 hướng tiến hoá khác nhau. Một hướng tiến hoá: một hướng tiến hoá thích nghi với điều kiện sống tự dưỡng., một hướng tiến hoá thích nghi với điều kiện sống dị dưỡng.
(C) đúng.
(D) đúng.
Câu 9 [594784]: Cho các phát biểu sau về sự phát sinh của sinh vật qua các đại địa chất
(A) Trong quá trình hình thành và tồn tại, Trái Đất luôn luôn biến đổi gây ra những biến đổi mạnh mẽ về sự phân bố của các loài cũng như gây nên các vụ tuyệt chủng hàng loạt của các loài.
(B) Địa chất và khí hậu biến đổi là nguyên nhân duy nhất làm cho các loài xuất hiện và biến đổi. Chính sự biến đổi của địa chất và khí hậu đã làm cho sinh vật phát triển ngày càng đa dạng và phong phú.
(C) Sau mỗi lần tuyệt chủng hàng loạt, những sinh vật sống sót bước vào giai đoạn bùng nổ phát sinh các loài mới và chiếm lĩnh các ổ sinh thái còn trống.
(D) Trong quá trình phát triển, các sinh vật có mỗi liên quan mật thiết với nhau. Loài này xuất hiện và phát triển lại làm cho một hoặc một số loài nào đó kìm hãm hoặc phát triển theo.
Số phát biểu có nội dung đúng là:
A, 1.
B, 2.
C, 4.
D, 3.
Xét các phát biểu của đề bài:
(A) đúng
(B) sai vì địa chất và khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất làm các loài biến đổi. Các loài biến đổi còn phụ thuộc vào quá trình đột biến, di nhập gene...
(C) đúng.
(D) đúng. Đáp án: D
Câu 10 [594785]: Cho các phát biểu sau về sự phát sinh sự sống trên Trái Đất là:
(A) Sự xuất hiện sự sống gắn liền với sự xuất hiện các đại phân tử hữu cơ có khả năng tự nhân đôi.
(B) Chọn lọc tự nhiên không tác động ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hoá hình thành tế bào sơ khai mà chỉ tác động từ khi sinh vật đa bào đầu tiên xuất hiện.
(C) Nhiều bằng chứng thực nghiệm thu được đã ủng hộ quan điểm cho rằng các chất hữu cơ đầu tiên trên Trái Đất được hình thành bằng con đường tổng hợp hoá học.
(D) Các chất hữu cơ đơn giản đầu tiên trên Trái Đất có thể được xuất hiện bằng con đường tổng hợp hoá học.
Số phát biểu có nội dung đúng là
A, 1.
B, 2.
C, 4.
D, 3.
Xét các phát biểu của đề bài:
(A) đúng.
(B) sai vì chọn lọc tự nhiên tác động ở ngay những giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hoá hoá học, CLTN đã giữ lại những đại phân tử có khả năng nhân đôi, tự sao chép.
(C) đúng. Miller và Uray đã làm thí nghiệm kiểm chứng: Tạo ra môi trường có thành phần hoá học giống khí quyển của trái đất nguyên thủy trong bình thuỷ tinh. Hỗn hợp khí CH4, NH3, H2 và hơi nước được đặt trong điều kiện phóng điện liên tục suốt 1 tuần lễ. Kết quả các ông đã thu được 1 số chất hữu cơ đơn giản trong đó có các amino acid. Các chất hữu cơ được hình thành trong điều kiện hoá học của bầu khí quyển nguyên thuỷ ngày càng phức tạp dần.
Để chứng minh các đơn phân như amino acid có thể kết hợp với nhau tạo nên các chuỗi polypeptide đơn giản trong điều kiện Trái đất nguyên thuỷ, ông Fox và các cộng sự vào năm 1950 đã tiến hành thí nghiệm đun nóng hỗn hợp các amino acid khô ở nhiệt độ từ 150 và 180oC và đã tạo ra được các chuỗi peptide ngắn (gọi là protein nhiệt).
(D) đúng. Theo ông Oparin (Nga) và Haldane (Anh) đã độc lập nhau cùng đưa ra giả thuyết cho rằng các hợp chất hữu cơ đơn giản đầu tiên trên Trái đất có thể được xuất hiện bằng con đường hoá tổng hợp từ các chất vô cơ nhờ nguồn năng lượng là sấm sét, tia tử ngoại, núi lửa: Bầu khí quyển nguyên thuỷ không có oxygen, dưới tác dụng của nguồn năng lượng tự nhiên (tia chớp, tia tử ngoại, núi lửa …) 1 số các chất vô cơ kết hợp tạo nên chất hữu cơ đơn giản: a. amin, nucleotide, đường đơn, acid béo … Các đơn phân kết hợp với nhau tạo thành các đại phân tử. Đáp án: D
Câu 11 [594786]: Sự kiện nào dưới đây không phải là bằng chứng tiến hoá?
A, Hoá thạch.
B, Sự giống nhau của các protein ở những loài khác nhau.
C, Các cơ quan tương đồng.
D, Các cá thể cùng loài có những kiểu hình khác nhau.
Các bằng chứng tiến hoá như: bằng chứng giải phẫu so sánh, bằng chứng phôi sinh học, bằng chứng tế bào học và sinh học phân tử, bằng chứng địa lí sinh vật học...
A. Hoá thạch là bằng chứng trực tiếp.
B. Sự giống nhau của các protein ở những loài khác nhau là bằng chứng sinh học phân tử.
C. Các cơ quan tương đồng là bằng chứng giải phẫu so sánh.
D. Cá cá thể cùng loài có kiểu hình khác nhau có thể do sống trong những điều kiện môi trường khác nhau → CLTN tích lũy các đặc điểm theo các hướng khác nhau → Không phải bằng chứng tiến hoá. Đáp án: D
Câu 12 [594787]: Nội dung nào sau đây sai, khi nói đến lịch sử phát triển của sinh giới:
A, Sự biến đổi điều kiện địa chất, khí hậu thường dẫn đến biến đổi trước hết ở thực vật, sau đó đến động vật.
B, Sự phát triển của sinh giới diễn ra nhanh hơn sự thay đổi chậm chạp của điều kiện khí hậu, địa chất.
C, Sinh giới phát triển chủ yếu cho tác động của điều kiện địa chất và khí hậu, không phụ thuộc vào tác động của chọn lọc tự nhiên.
D, Các nhóm sinh vật thích nghi được với môi trường sẽ phát triển nhanh hơn và chiếm ưu thế.
Các nội dung A, B, D đúng.
C sai vì sự phát triển của sinh giới phụ thuộc vào tác động của chọn lọc tự nhiên chứ không phải không phụ phụ thuộc vào tác động của chọn lọc tự nhiên. Chọn lọc tự nhiên tác động từ giai đoạn tiến hoá hoá học → Tiến hoá tiền sinh học → Tiến hoá sinh học. Đáp án: C
Câu 13 [594788]: Cho các nhận xét sau:
(A) Cơ quan thoái hoá là cơ quan tương tự.
(B) Động lực của chọn lọc tự nhiên là đấu tranh sinh tồn.
(C) Cơ quan tương đồng phản ánh sự tiến hoá theo hướng đồng quy.
(D) Tiến hoá nhỏ là quá trình biến đổi tần số allele, thành phần kiểu gene của quần thể.
Có bao nhiêu nhận xét đúng?
A, 2.
B, 3.
C, 4.
D, 1.
Xét các nhận xét của đề bài:
(A) sai vì cơ quan thoái hoá là cơ quan phát triển không đầy đủ ở cơ thể trưởng thành. Do điều kiện sống của loài thay đổi, các cơ quan này mất dần chức năng ban đầu, tiêu giảm dần và hiện chỉ để lại một vài vết tích xưa kia của chúng.
Ví dụ: Xương cùng, ruột thừa, răng khôn ở người, di tích các tuyến sữa ở các con đực các loài động vật có vú. Cơ quan thoái hoá là cơ quan tương đồng chứ không phải cơ quan tương tự.
(B) đúng.
(C) sai vì cơ quan tương đồng phản ánh sự tiến hoá theo hướng phân li.
(D) đúng. Đáp án: A
Câu 14 [594789]: Nội dung nào sau đây chính xác nhất?
A, Nhiều quần thể trong loài nếu có sự cách li địa lí thì sẽ hình thành nên loài mới.
B, Cách li địa lí hay xảy ra đối với các loài động vật ít có khả năng phát tán mạnh.
C, Cách li địa lí có vai trò duy trì sự khác biệt về vốn gene giữa các quần thể trong loài.
D, Quá trình hình thành quần thể thích nghi nhất thiết dẫn đến hình thành loài mới.
Cách li địa lí ngăn cản sự giao phối giữa các quần thể, từ đó làm giảm hoặc ngăn chặn sự trao đổi gene giữa chúng. Điều này dẫn đến sự tích lũy những khác biệt di truyền giữa các quần thể. Qua thời gian, nếu những khác biệt này đủ lớn, có thể dẫn đến sự hình thành loài mới. Đáp án: C
Đọc ngữ cảnh dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 15 đến 17.
Trong một thí nghiệm lần đầu tiên được tiến hành trong tự nhiên, các nhà sinh học tiến hoá thuộc Đại học British Columbia (UBC) đã thu được bằng chứng về một trong những tư tưởng nền móng của Charles Darwin: thích nghi với môi trường thúc đẩy sự hình thành loài mới. Patril Nosil – nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ UBC vừa có công trình được xuất bản – cho biết: “Chỉ một đặc điểm thích nghi đơn lẻ ví dụ như màu sắc cũng có thể khiến một quần thể tiến tới quá trình hình thành loài mới. Nhưng để hoàn thiện quá trình hình thành một loài mới hoàn toàn đôi khi lại cần nhiều sự thích nghi ở nhiều đặc điểm. Một quần thể càng có nhiều phương thức thích nghi với môi trường sống đặc biệt quanh nó, thì khả năng phân rẽ thành nhiều loài khác biệt càng cao”.
Nosil đã nghiên cứu loài bọ que ở Santa Barbara Chaparral (Nam California). Bọ que không biết bay. Chúng sinh sống trên cây vật chủ và ăn lá cây. Các dạng sinh thái khác nhau của loài bọ que được tìm thấy trên các loài thực vật khác nhau với những kiểu màu sắc riêng biệt tương ứng với đặc điểm cây vật chủ mà chúng sinh sống. Ví dụ như những con côn trùng dạng sinh thái cristinae sống trên những cây lá kim có sọc trắng dọc cơ thể màu xanh lá cây của chúng.
Bằng cách tách một số dạng sinh thái ra khỏi môi trường cây vật chủ của chúng và bảo vệ một số dạng sinh thái khác khỏi sự tấn công của kẻ thù tự nhiên, Nostril đã nhận thấy chỉ riêng kiểu màu sắc cũng có thể khởi động sự hình thành loài. Trong khi đó chọn lọc tự nhiên đối với những đặc điểm thích nghi thêm vào - như khả năng giải trừ các chất hoá học có hại trên cây vật chủ - lại là điều kiện cần thiết để hoàn thiện quá trình hình thành loài do sự khác biệt về màu sắc khởi xướng.
Nosil cho biết: “Chọn lọc tự nhiên vẫn được coi là nguyên nhân tiến hoá ở loài đang tồn tại trong khi gene di truyền và môi trường địa lý lại là tiêu điểm của hầu hết các nghiên cứu hiện thời về động lực của quá trình hình thành loài”.
Câu 15 [594790]: Đặc điểm sinh thái của loài bọ que được xem xét trong quá trình hình thành quần thể thích nghi ở trong thí nghiệm trên là gì?
A, Tính trạng màu sắc của cơ thể.
B, Tính trạng sinh các hợp chất hoá học.
C, Sự thay đổi về kích thước cơ thể.
D, Khả năng sinh sản cao.
Trong thí nghiệm của Nosil, màu sắc ngụy trang phù hợp với cây vật chủ của loài bọ que là một yếu tố quan trọng giúp chúng thích nghi với môi trường, từ đó khởi động quá trình hình thành loài mới. Màu sắc này giúp bọ que tránh được kẻ thù tự nhiên và đóng vai trò trong quá trình chọn lọc tự nhiên thúc đẩy sự tiến hoá của loài. Đáp án: A
Câu 16 [594791]: Điều gì sẽ xảy ra nếu một dạng sinh thái của bọ que được đặt vào môi trường cây vật chủ khác hẳn với dạng sinh thái tự nhiên của nó?
A, Dạng sinh thái bọ que sẽ nhanh chóng thích nghi với cây vật chủ mới.
B, Chọn lọc tự nhiên sẽ nhanh chóng thay đổi màu sắc của bọ que để thích nghi vơi cây vật chủ mới.
C, Dạng sinh thái bọ que sẽ bị suy giảm số lượng do bị kẻ thù tự nhiên tấn công.
D, Dạng sinh thái bọ que sẽ tăng nhanh khả năng sinh sản để bù lại số lượng bị kẻ thù ăn thịt.
Trong thí nghiệm của Nosil, sự ngụy trang màu sắc của bọ que phù hợp với môi trường cây vật chủ là một yếu tố quan trọng giúp chúng tránh khỏi kẻ thù tự nhiên. Khi bọ que được đặt vào môi trường không phù hợp với màu sắc của chúng, chúng sẽ dễ bị phát hiện và tấn công bởi kẻ thù, dẫn đến khả năng sống sót giảm. Chọn lọc tự nhiên sẽ loại bỏ những cá thể không thích nghi tốt với môi trường mới. Đáp án: C
Câu 17 [594792]: Ở một ngọn núi, có hai quần thể chim gõ kiến ở hai sườn núi đối diện với điều kiện khí hậu khác nhau (một bên ẩm ướt, một bên khô hạn). Nếu không có sự giao phối giữa hai quần thể, sau nhiều thế hệ, điều gì có thể xảy ra với hai quần thể chim này dưới tác động của chọn lọc tự nhiên và điều kiện khí hậu?
A, Hai quần thể chim gõ kiến sẽ dần giống nhau về mặt di truyền do cùng sống trên ngọn núi.
B, Hai quần thể chim gõ kiến phát triển những đặc điểm thích nghi khác nhau, có thể dẫn tới loài mới.
C, Hai quần thể chim gõ kiến duy trì vốn gene ổn định và thích nghi với điều kiện sống.
D, Hai quần thể chim gõ kiến có thể làm giảm số lượng cá thể do tác động của môi trường và không có trao đổi vốn gene giữa hai quần thể.
Hai quần thể chim gõ kiến sống trong các môi trường khác nhau (ẩm ướt và khô hạn) sẽ chịu tác động của chọn lọc tự nhiên, dẫn đến sự thích nghi với môi trường của từng bên. Sự cách ly về mặt địa lý và không có sự trao đổi gene giữa hai quần thể sẽ làm gia tăng sự khác biệt di truyền, và nếu quá trình này tiếp diễn đủ lâu, có thể dẫn đến sự hình thành hai loài mới. Đáp án: B