Chùm 01. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “Điểm đặc biệt của Sơn Đoòng là có hai hố sụt (Doline 1 và Doline 2). Đây chính là phần vòm trần hang do những tác động khác nhau bị sập đổ, tạo nên các “giếng trời”. Ánh sáng tự nhiên từ các giếng trời này rọi xuống, tạo nên một thảm thực vật dày đặc, một khu rừng nhiệt đới đặc biệt không nơi nào có được. Thảm thực vật trong hố sụt thứ nhất chủ yếu là cây thân thảo và dương xỉ, số lượng cũng không nhiều, thường được gọi là Hố sụt Khủng long. Thảm thực vật trong hố sụt thứ hai phong phú hơn nhiều, đây chính là khu rừng nhiệt đới có tên gọi là Vườn Edam. Có những cây cao tới 20 - 30m, đường kính gốc lên tới 40cm. Rừng có cả cây cao, tán hẹp, cây ưa bóng râm chen dày, thực vật biểu sinh như tầm gửi, phong lan...
    Trong hang, có những cột nhũ đá cao tới 70m, những tảng đá có nguồn gốc sập đổ, cuốn trôi, có đường kính lên đến hàng mét. Sơn Đoòng còn là thế giới của ngọc động, là những viên đá hình cầu, cầu dẹt hoặc hình trứng, thường hình thành trong những ngăn “ruộng bậc thang” do canxi cấu thành. “Ngọc động” được hình thành do nước bão hòa cacbonat canxi axit chảy qua, kết tủa chung quanh một nhân kết tinh nào đó, chẳng hạn hạt cát. Lâu dần các lớp tinh thể canxi bám vào ngày càng nhiều khiến viên đá lớn dần, và được lăn do dòng nước, cho nên được vo tròn lại thành hình cầu hoặc gần giống hình cầu. Chuyên gia hang động Howard Limbert cho biết, “ngọc động” ở Sơn Đoòng lớn nhất và nhiều nhất trong các hang động trên thế giới. Có viên nặng tới 1kg.”
(Sơn Đoòng - thế giới chỉ có một, theo thanhuythphcm.vn)
Câu 1 [688479]: Theo đoạn trích, hai hố sụt của Sơn Đoòng được tạo nên như thế nào?
A, Do nước bão hòa cacbonat canxi axit chảy qua, kết tủa chung quanh một nhân kết tinh nào đó tạo nên
B, Do những tảng đá sập đổ tạo nên
C, Do những tác động khác nhau, phần vòm trần hang bị sập đổ, tạo nên hai hố sụt
D, Do ánh sáng tự nhiên rọi xuống tạo nên
Dựa vào thông tin trong đoạn: “Điểm đặc biệt của Sơn Đoòng là có hai hố sụt (Doline 1 và Doline 2). Đây chính là phần vòm trần hang do những tác động khác nhau bị sập đổ, tạo nên các “giếng trời”.
⟶ Do những tác động khác nhau, phần vòm trần hang bị sập đổ, tạo nên hai hố sụt của Sơn Đoòng. Đáp án: C
Câu 2 [688480]: Thảm thực vật trong hố sụt thứ hai có tên gọi là gì?
A, “Ngọc động”
B, Sơn Đoòng
C, Hố sụt Khủng Long
D, Vườn Edam
Dựa vào thông tin trong câu: “Thảm thực vật trong hố sụt thứ hai phong phú hơn nhiều, đây chính là khu rừng nhiệt đới có tên gọi là Vườn Edam.”
⟶ Thảm thực vật trong hố sụt thứ hai có tên là Vườn Edam. Đáp án: D
Câu 3 [688481]: Theo nội dung đoạn trích, từ ngữ nào không cùng nhóm với các từ ngữ còn lại?
A, Dày đặc
B, Nhiều nhất
C, Lớn nhất
D, Phong phú hơn nhiều
“Dày đặc”, “nhiều nhất”“phong phú nhất” đều có nét nghĩa chỉ số lượng nhiều trong khi đó “lớn nhất” là từ chỉ kích thước.
⟶ “lớn nhất” không cùng nhóm với các từ ngữ còn lại. Đáp án: C
Câu 4 [688482]: Đâu là dữ liệu thứ cấp trong đoạn trích?
A, “Trong hang, có những cột nhũ đá cao tới 70m, những tảng đá có nguồn gốc sập đổ, cuốn trôi, có đường kính lên đến hàng mét.”
B, “Thảm thực vật trong hố sụt thứ nhất chủ yếu là cây thân thảo và dương xỉ, số lượng cũng không nhiều, thường được gọi là Hố sụt Khủng long.”
C, “Có những cây cao tới 20 - 30 m, đường kính gốc lên tới 40 cm.”
D, “Chuyên gia hang động Howard Limbert cho biết, “ngọc động” ở Sơn Đoòng lớn nhất và nhiều nhất trong các hang động trên thế giới. Có viên nặng tới 1 kg.”
Dữ liệu thứ cấp trong đoạn trích là: “Chuyên gia hang động Howard Limbert cho biết, “ngọc động” ở Sơn Đoòng lớn nhất và nhiều nhất trong các hang động trên thế giới. Có viên nặng tới 1kg.” Đây là thông tin được trích dẫn từ một chuyên gia, không phải là quan sát trực tiếp của tác giả. Đáp án: D
Câu 5 [688483]: Những viên đá trong hang Sơn Đoòng không có hình gì?
A, Hình trứng
B, Hình trụ
C, Hình dẹt
D, Hình cầu
Dựa vào thông tin trong câu văn: “Sơn Đoòng còn là thế giới của ngọc động, là những viên đá hình cầu, cầu dẹt hoặc hình trứng, thường hình thành trong những ngăn “ruộng bậc thang” do canxi cấu thành.”
⟶ Những viên đá trong hang Sơn Đoòng không có hình trụ. Đáp án: B
Chùm 02. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “(1) Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kì hội nhập toàn cầu. Với tính mềm dẻo và linh hoạt, ngoại giao văn hóa đã phát huy vai trò tích cực của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ triển khai các mục tiêu đối ngoại của đất nước.
    (2) Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phục vụ phát triển đất nước; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới.
    (3) Trong nhiều năm qua, hình ảnh chiếc Áo dài không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ Tết, các sự kiện mang tính chất riêng của quốc gia, dân tộc, mà còn hiện diện nhiều hơn ở các sự kiện quốc tế, sự kiện ngoại giao,... Và đặc biệt, không chỉ có các nữ lãnh đạo, các phu nhân của Việt Nam mặc Áo dài, mà Áo dài còn trở thành trang phục được lựa chọn của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, phu nhân, nhà ngoại giao các nước mỗi khi đến Việt Nam.
    (4) Năm 2006, khi Việt Nam lần đầu tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã cùng mặc Áo dài truyền thống của Việt Nam trong bức ảnh chụp chung. Các phu nhân, nữ Đại sứ, nhà ngoại giao, người nước ngoài... khi đến Việt Nam cũng chọn mặc Áo dài như một cách để bày tỏ sự tôn trọng về văn hóa Việt Nam và tình hữu nghị, ngoại giao giữa các nước với Việt Nam.”
(Áo dài kết nối Việt Nam và thế giới, theo dangcongsan.vn)
Câu 6 [688484]: Theo đoạn trích, các trụ cột của nền ngoại giao toàn diện nước ta thời kì hội nhập toàn cầu là gì?
A, Ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hoá
B, Hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam
C, Nguyên thủ, lãnh đạo, phu nhân, nhà ngoại giao các nước
D, Ngoại giao văn hoá, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế
Dựa vào thông tin trong câu: “Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kì hội nhập toàn cầu.” và câu: “Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.”
⟶ Các trụ cột của nền ngoại giao toàn diện nước ta thời kì hội nhập toàn cầu là ngoại giao văn hoá, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Đáp án: D
Câu 7 [688485]: Đoạn trích đề cập đến đặc điểm nổi bật nào của ngoại giao văn hoá?
A, Tính nhân văn
B, Tính mềm dẻo, linh hoạt
C, Tính rộng mở
D, Tính cầu thị
Dựa vào thông tin trong câu: “Với tính mềm dẻo và linh hoạt, ngoại giao văn hóa đã phát huy vai trò tích cực của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ triển khai các mục tiêu đối ngoại của đất nước.”
⟶ Đoạn trích đề cập đến tính mềm dẻo, linh hoạt của ngoại giao văn hoá. Đáp án: B
Câu 8 [688486]: Đoạn (4) đóng vai trò gì trong đoạn trích?
A, Lí lẽ
B, Bằng chứng
C, Luận đề
D, Luận điểm
Đoạn (4) cung cấp ví dụ thực tế, cụ thể về việc lãnh đạo các nền kinh tế mặc Áo dài trong một sự kiện quốc tế (Diễn đàn APEC 2006). Đây là bằng chứng chứng minh cho vai trò của Áo dài trong ngoại giao văn hóa. Đáp án: B
Câu 9 [688487]: Nội dung chính của đoạn trích là gì?
A, Áo dài truyền thống Việt Nam với sứ mệnh ngoại giao văn hoá
B, Vẻ đẹp của áo dài Việt Nam
C, Vẻ đẹp của áo dài Việt Nam trong cái nhìn của bạn bè quốc tế
D, Ngoại giao văn hoá, một trụ cột cốt lõi của nền ngoại giao
- Loại B và C vì vẻ đẹp của Áo dài chỉ là một phần nhỏ của đoạn trích.
- Loại D vì dù đoạn văn đề cập đến ngoại giao văn hóa, nhưng trọng tâm chính là việc phân tích vai trò của Áo dài trong việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa.
⟶ A là đáp án đúng vì nội dung chính của đoạn trích đề cập đến vai trò của áo dài trong ngoại giao văn hóa, với sự xuất hiện của Áo dài trong các sự kiện ngoại giao quốc tế, thể hiện sứ mệnh của Áo dài trong việc kết nối Việt Nam với thế giới. Đáp án: A
Câu 10 [688488]: Đoạn trích thể hiện thái độ nào của người viết về Áo dài truyền thống Việt Nam?
A, Ngợi ca
B, Yêu thích
C, Tự hào
D, Tin tưởng
Đoạn trích thể hiện thái độ tự hào về Áo dài, đặc biệt là khi nhắc đến việc Áo dài được lựa chọn bởi các nguyên thủ và lãnh đạo quốc tế trong các sự kiện ngoại giao, thể hiện sự tôn vinh văn hóa Việt Nam. Đáp án: C
Chùm 03. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “Mùa nước nổi nơi đây kéo dài từ cuối tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, kéo theo những đàn cá rô đồng, cá linh và sự sinh trưởng của bông súng, bông điên điển. Với sản vật tươi ngon sẵn có, người dân châu thổ Mekong sáng tạo nên nhiều món ăn chỉ cần nếm qua hương vị cũng khiến du khách khó quên. Trong đó, lẩu cá linh bông điên điển được dùng kèm các loại rau dân dã, đậm màu, trở thành món ăn đặc sắc nhất miền Tây.
    Dân dã, giản dị nhưng kết hợp hài hoà nhiều hương vị là phong cách đặc trưng của ẩm thực miền Tây. Đặc biệt, người dân nơi đây luôn đẩy hương vị lên cao nhất. Ví dụ khi ăn cay phải cay đến “xé lưỡi”, như món lẩu gà ớt hiểm hay bún bò cay Bạc Liêu với ớt, sả, hồi, quế; ăn mặn như kho quẹt, ăn ngọt như chè, bánh. Người miền Tây còn có nhiều loại bánh ngọt như bánh chuối hấp, pía, bò thốt nốt Khmer, bánh đúc ngọt.
    Ở đây, dừa được người dân sử dụng trong nhiều món ăn như thịt kho củ hũ dừa tươi, cơm dừa tươi, chuối hầm dừa, mắm lóc chưng nước cốt dừa, cua đồng kho sả nước cốt dừa, ốc len xào dừa...
    Chao cũng là một nguyên liệu quen thuộc trong bữa cơm của người dân Tây Nam Bộ, được dùng chế biến các món kho, nướng và lẩu. Nhờ vị béo đặc trưng của đậu hũ lên men, chao còn được gọi là “phô mai châu Á”. Trong những món ăn dùng chao, phải kể tới lẩu vịt nấu chao, với thịt vịt ninh nhừ mềm, khoai môn dẻo bùi, nước thơm dậy mùi với vị béo của chao, cân bằng với rau muống mát ngọt.”
(Thanh Thư, Chất dân dã của ẩm thực miền Tây, theo vnexpress.net)
Câu 11 [688489]: Chủ đề của đoạn trích trên là gì?
A, Ẩm thực miền Tây
B, Nguyên liệu chính trong các bữa ăn của người dân miền Tây
C, Cách chế biến món ăn đặc trưng của người dân miền Tây
D, Sự khác biệt giữa ẩm thực miền Tây với các vùng miền trên cả nước
Đoạn trích chủ yếu nói về ẩm thực miền Tây, đặc biệt là những món ăn đặc sắc và nguyên liệu phổ biến trong bữa ăn của người dân nơi đây. Mặc dù có đề cập đến nguyên liệu và cách chế biến, chủ đề chính vẫn là tổng quan về ẩm thực miền Tây.
⟶ Chủ đề của đoạn trích là ẩm thực miền Tây. Đáp án: A
Câu 12 [688490]: Từ nào trong đoạn trích không cùng nhóm với các từ còn lại?
A, Nhừ mềm
B, Dẻo bùi
C, Mát ngọt
D, Dân dã
Các từ “nhừ mềm”, “dẻo bùi” “mát ngọt” đều miêu tả hương vị hoặc tính chất của món ăn. Trong khi đó, từ “dân dã” miêu tả tính chất của ẩm thực miền Tây, không phải là miêu tả hương vị hay kết cấu món ăn.
⟶ Từ “dân dã” không cùng nhóm với các từ còn lại. Đáp án: D
Câu 13 [688491]: Theo đoạn trích, nguyên liệu nào được gọi là “phô mai châu Á”?
A, Cá linh
B, Dừa
C, Chao
D, Bông điên điển
Dựa vào thông tin trong câu: “Nhờ vị béo đặc trưng của đậu hũ lên men, chao còn được gọi là “phô mai châu Á”.
⟶ Chao được gọi là “phô mai châu Á”. Đáp án: C
Câu 14 [688492]: Bằng chứng “khi ăn cay phải cay đến “xé lưỡi”, như món lẩu gà ớt hiểm hay bún bò cay Bạc Liêu với ớt, sả, hồi, quế; ăn mặn như kho quẹt, ăn ngọt như chè, bánh” (in đậm) làm rõ cho đặc trưng nổi bật nào của ẩm thực miền Tây?
A, Dân dã
B, Giản dị
C, Kết hợp hài hoà nhiều hương vị
D, Đẩy hương vị lên cao nhất
Bằng chứng này làm rõ đặc trưng “đẩy hương vị lên cao nhất” được nhắc đến trong câu trước đó, vì nó nói về các món ăn rất đậm đà và mạnh mẽ về hương vị, đặc biệt là cay, mặn, ngọt rất rõ ràng và mạnh mẽ. Đáp án: D
Câu 15 [688493]: Theo đoạn trích, món ăn đặc sắc nhất miền Tây là gì?
A, Vịt nấu chao
B, Lẩu cá linh bông điên điển
C, Thịt kho củ hũ nấu dừa tươi
D, Kho quẹt
Dựa vào thông tin trong câu văn: “Trong đó, lẩu cá linh bông điên điển được dùng kèm các loại rau dân dã, đậm màu, trở thành món ăn đặc sắc nhất miền Tây.”
⟶ Món ăn đặc sắc nhất miền Tây là lẩu cá linh bông điên điển. Đáp án: B
Chùm 04. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “Các bức tranh của Levitan chủ yếu vẽ phong cảnh nông thôn nước Nga với bút pháp hiện thực tươi sáng, trong trẻo, lay động cảm xúc con người. Hầu hết tác phẩm của Levitan đều như nhuốm nỗi buồn man mát. Càng những bức tranh cuối đời, ánh sắc đó như càng lộ rõ khi ông thường xuyên bị viêm phổi và suy sụp về tinh thần. Bức tranh Mùa thu vàng ra đời trong hoàn cảnh như vậy, năm 1895. Dẫu không cuồng rực như Đêm đầy sao của Van Gogh, nhưng sắc vàng và lối bố cục thoạt nhìn tưởng chừng hết sức bình thường của bức tranh lại bao chứa, ẩn giấu một tâm hồn đa cảm.
    Có lẽ điểm quan trọng nhất của bức tranh và khiến nó trở nên nổi tiếng chính là dòng sông. Nó không đơn thuần mô tả sự phản chiếu trời mây với ánh sắc lung linh, huyền ảo, tạo nên điểm nhấn của bức tranh, mà vị trí của dòng chảy đó như thách thức người vẽ. Con sông gần như chia đôi bức tranh, dòng chảy như bắt vào một góc của tác phẩm, điều được xem như là tối kị trong bố cục hội họa. Ấy vậy mà với cách xử lí tài tình, bằng việc tạo ra sự hút sâu trong một đoạn ngắn, Levitan đã mang đến cho người xem cảm giác về một dòng sông dài. Nó còn tiếp tục chảy ra ngoài giới hạn của bức tranh. Và chùm hoa đỏ nho nhỏ phía tiền cảnh đã khiến cho dòng chảy như được điều hòa tính phá cách của bố cục. Điều mà không phải họa sĩ vẽ phong cảnh nào cũng có thể làm được nếu không có những am hiểu sâu sắc phép viễn cận trong hội họa.”
(Trang Thanh Hiền, Mùa thu vàng của Levitan, theo daibieunhandan.vn)
Câu 16 [688494]: Theo đoạn trích, điểm đặc biệt nào của bức tranh “Mùa thu vàng” khiến nó trở nên nổi tiếng?
A, Chùm hoa đỏ nho nhỏ
B, Dòng sông
C, Trời mây
D, Bầu trời đầy sao
Dựa vào câu văn: “Có lẽ điểm quan trọng nhất của bức tranh và khiến nó trở nên nổi tiếng chính là dòng sông.”
⟶ Điểm đặc biệt nào của bức tranh “Mùa thu vàng” khiến nó trở nên nổi tiếng là dòng sông. Đáp án: B
Câu 17 [688495]: Bút pháp hội hoạ Levitan theo đuổi khi vẽ phong cảnh nông thôn nước Nga là gì?
A, Bút pháp cổ điển
B, Bút pháp lãng mạn
C, Bút pháp hiện thực
D, Bút pháp siêu thực
Dựa vào câu văn: “Các bức tranh của Levitan chủ yếu vẽ phong cảnh nông thôn nước Nga với bút pháp hiện thực tươi sáng, trong trẻo, lay động cảm xúc con người.”
⟶ Khi vẽ phong cảnh nông thôn nước Nga Levitan theo đuổi bút pháp hiện thực. Đáp án: C
Câu 18 [688496]: Từ ngữ nào trong đoạn trích không cùng nhóm với các từ ngữ còn lại?
A, Tươi sáng
B, Trong trẻo
C, Lung linh
D, Đa cảm
“Đa cảm” là một tính từ miêu tả cảm xúc, trong khi các từ “tươi sáng”, “trong trẻo”, “lung linh” đều mô tả đặc điểm của ánh sáng và sắc màu, đặc trưng trong phong cách vẽ của Levitan.

⟶ Từ “đa cảm” không cùng nhóm với các từ ngữ còn lại. Đáp án: D
Câu 19 [688497]: Theo đoạn trích, với bức tranh “Mùa thu vàng” Levitan đã “vi phạm” điều tối kị nào trong bố cục hội hoạ?
A, Bức tranh nhuốm nỗi buồn man mác.
B, Chùm hoa đỏ nho nhỏ phía tiền cảnh đã khiến cho dòng chảy của con sông như được điều hòa.
C, Con sông trong bức tranh gần như chia đôi bức tranh, dòng chảy như bắt vào một góc của tác phẩm.
D, Bức tranh phản chiếu sự suy sụp về tinh thần của Levitan.
Dựa vào câu văn: “Con sông gần như chia đôi bức tranh, dòng chảy như bắt vào một góc của tác phẩm, điều được xem như là tối kị trong bố cục hội họa.”

⟶ Với bức tranh “Mùa thu vàng” Levitan đã “vi phạm” điều tối kị trong bố cục hội hoạ là con sông trong bức tranh gần như chia đôi bức tranh, dòng chảy như bắt vào một góc của tác phẩm. Đáp án: C
Câu 20 [688498]: Theo đoạn trích, sáng tạo độc đáo của Levitan trong bức “Mùa thu vàng” được mang đến bởi điều gì?
A, Sự am hiểu sâu sắc phép viễn cận trong hội họa
B, Sự tiếp thu và ảnh hưởng từ Van Gogh
C, Sự thúc bách của hoàn cảnh khi Levitan vẽ bức tranh
D, Tâm hồn trong trẻo của Levitan
Dựa vào câu văn: “Điều mà không phải họa sĩ vẽ phong cảnh nào cũng có thể làm được nếu không có những am hiểu sâu sắc phép viễn cận trong hội họa.”

⟶ Sáng tạo độc đáo của Levitan trong bức “Mùa thu vàng” được mang đến bởi sự am hiểu sâu sắc phép viễn cận trong hội họa. Đáp án: A
Chùm 05. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “Albert Einstein, sinh năm 1879, mất năm 1955, được coi là một trong những nhà vật lí vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Einstein nổi tiếng với việc phát triển thuyết tương đối tổng quát. Ngoài ra, ông cũng có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển lí thuyết cơ học lượng tử.
    Thuyết tương đối và cơ học lượng tử là hai trụ cột của vật lí hiện đại. Công thức E = mc2 của Einstein, phát sinh từ thuyết tương đối, được mệnh danh là phương trình nổi tiếng nhất thế giới.
    Albert Einstein nhận giải Nobel Vật lí năm 1921 vì những đóng góp của ông cho vật lí lí thuyết và đặc biệt là vì khám phá ra định luật hiệu ứng quang điện, một bước quan trọng trong sự phát triển của thuyết lượng tử.
    Những thành tựu trí tuệ và sự độc đáo của Albert Einstein đã giúp ông được gọi là thiên tài. Einsteini, một nguyên tố kim loại tổng hợp có kí hiệu Es và số nguyên tử 99 thuộc nhóm actini. Đây là nguyên tố siêu urani thứ 7. Tên của nó được đặt theo tên của Albert Einstein.”
(Vĩnh Ngọc, Albert Einstein: Từ cậu bé chậm nói trở thành thiên tài Vật lí, theo dantri.com.vn)
Câu 21 [688499]: Nhận định nào sau đây là đánh giá cao nhất dành cho Albert Einstein?
A, Có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển lí thuyết cơ học lượng tử
B, Một trong những nhà vật lí vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại
C, Nhận giải Nobel Vật lí năm 1921 vì những đóng góp của ông cho vật lí lí thuyết và đặc biệt là vì khám phá ra định luật hiệu ứng quang điện
D, Nổi tiếng với việc phát triển thuyết tương đối tổng quát
Nhận định “Một trong những nhà vật lí vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất mọi thời đại” mang tính khái quát và đánh giá cao nhất về Albert Einstein trong đoạn trích. Các lựa chọn còn lại chỉ nhấn mạnh vào một khía cạnh cụ thể trong sự nghiệp của ông. Đáp án: B
Câu 22 [688500]: Albert Einstein nhận giải Nobel Vật lí năm bao nhiêu tuổi?
A, 40
B, 41
C, 42
D, 43
Albert Einstein, sinh năm 1879 và nhận giải Nobel Vật lí năm 1921 ⟶ Albert Einstein nhận giải Nobel Vật lí năm 42 tuổi. Đáp án: C
Câu 23 [688501]: Theo đoạn trích, Einstein nổi tiếng trên thế giới bởi điều gì?
A, Einsteini, nguyên tố siêu urani thứ 7, được đặt theo tên của Albert Einstein.
B, Nhận giải Nobel Vật lí
C, Có những đóng góp quan trọng cho việc phát triển lí thuyết cơ học lượng tử
D, Biệc phát triển thuyết tương đối tổng quát
Dựa vào thông tin trong câu văn: “Einstein nổi tiếng với việc phát triển thuyết tương đối tổng quát.”
⟶ Einstein nổi tiếng trên thế giới bởi việc phát triển thuyết tương đối tổng quát. Đáp án: D
Câu 24 [688502]: Chủ đề của đoạn trích là gì?
A, Những đóng góp của Albert Einstein cho Vật lí lí thuyết
B, Tầm ảnh hưởng của Albert Einstein tới Vật lí hiện đại
C, Albert Einstein, một thiên tài Vật lí
D, Albert Einstein và giải Nobel Vật lí
Đoạn trích cung cấp thông tin khái quát về Einstein, bao gồm những thành tựu, giải thưởng, và sự công nhận ông là một thiên tài. Vì thế C là đáp án khái quát nhất, y bao trùm toàn bộ nội dung đoạn trích, các đáp án còn lại chỉ là một phần trong nội dung đoạn trích. Đáp án: C
Câu 25 [688503]: Tính chất ngợi ca trong thái độ của người viết về Albert Einstein không được thể hiện qua từ ngữ nào?
A, Một bước quan trọng
B, Một trong những nhà vật lí vĩ đại nhất
C, Nổi tiếng
D, Thiên tài
Cụm từ “một bước quan trọng” chỉ mang tính đánh giá khách quan về giá trị khoa học của khám phá hiệu ứng quang điện, không bộc lộ cảm xúc hay thái độ ngợi ca. Đây là cách nói trung tính, dùng để xác định vai trò của phát hiện này đối với sự phát triển của vật lí hiện đại.
⟶ Cụm từ “một bước quan trọng” không thể hiện tính chất ngợi ca trong thái độ của người viết về Albert Einstein. Đáp án: A
Chùm 06. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “Nghệ thuật sân khấu hát Bội được coi là loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam. Nó mang tính ước lệ, tượng trưng rất cao, ngôn ngữ thâm thúy, mang đậm triết lí. Những bước chân, những cái chỉ tay lên trời, xuống đất... của diễn viên đều tuân thủ nguyên tắc rất chặt chẽ và biểu thị cho những ý nghĩa nhất định. Hát Bội đặc biệt từ nội dung cốt truyện đến cử chỉ, điệu bộ, lời ca tiếng hát và phục trang biểu diễn. Từ đó, khi hóa trang, các nghệ sĩ phải bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật hóa trang như vua, võ tướng, trung thần, gian thần, nịnh thần,... Bên cạnh đó, màu sắc trang phục từ đỏ, vàng, đen, trắng... cũng biểu hiện được tính cách nhân vật là “kép độc” hay “kép hiền”.
    Hát Bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân - nghĩa - lễ - trí - tín và đạo lí làm người. Kết cục của những tuồng hát bao giờ cũng có hậu và răn dạy người đời: ở hiền gặp lành, làm ác gặp ác, gieo nhân nào hưởng quả ấy... Hát Bội ở Nam Bộ thường được diễn ở khắp nơi, từ thành thị, chợ búa đến chốn nông thôn hẻo lánh. Phần nhiều vào các dịp Tết, lễ hội, vía bà, cúng đình.
    Hát Bội ở Nam bộ là biến thể của lối hát Bội cung đình mà những nghệ sĩ, nghệ nhân và những lưu dân mang theo khi tiến sâu về phương Nam mở đất. Hát Bội đã gắn bó với những buồn vui, thăng trầm của lịch sử dân tộc và đất nước suốt mấy trăm năm trở lại đây và là di sản văn hóa phi vật thể.”
(Nguyễn Dương Hải, Hát Bội Nam Bộ, theo baotnvn.vn)
Câu 26 [688504]: Theo đoạn trích, hát Bội thuộc loại hình nghệ thuật nào của nước ta?
A, Nghệ thuật điện ảnh
B, Loại hình sân khấu cổ điển
C, Loại hình sân khấu hiện đại
D, Nghệ thuật trình diễn
Dựa vào câu văn: “Nghệ thuật sân khấu hát Bội được coi là loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam.”

⟶ Hát Bội thuộc loại hình sân khấu cổ điển. Đáp án: B
Câu 27 [688505]: Phương diện nào sau đây không thuộc nội dung của những tác phẩm hát Bội?
A, Đề cao nhân - nghĩa - lễ - trí - tín
B, Ngôn ngữ mang đậm chất triết lí
C, Đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng
D, Đề cao đạo lí làm người
Dựa vảo thông tin trong câu: “Hát Bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân - nghĩa - lễ - trí - tín và đạo lí làm người.”
⟶ Ngôn ngữ mang đậm chất triết lí không thuộc nội dung của những tác phẩm hát Bội. Đáp án: B
Câu 28 [688506]: Yêu cầu nào minh chứng cho sự cầu kì khi hoá trang của của các nghệ sĩ hát Bội?
A, Phải tuân thủ nguyên tắc rất chặt chẽ và biểu thị cho những ý nghĩa nhất định
B, Phải biểu hiện được tính cách nhân vật là “kép độc” hay “kép hiền”
C, Phải bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật hóa trang
D, Phải mang tính ước lệ, tượng trưng
- Loại A vì đây là yêu cầu chung cho toàn bộ diễn xuất của hát Bội, không chỉ liên quan đến hóa trang.
- Loại B vì đây là yêu cầu liên quan đến trang phục, chưa đủ minh chứng cho sự cầu kì khi hóa trang.
- Loại D vì tính ước lệ, tượng trưng là đặc trưng chung của hát Bội, không phải yêu cầu riêng về hóa trang.
⟶ C là đáp án đúng vì đoạn trích nêu rõ yêu cầu này khi nói về hóa trang trong hát Bội: “Khi hóa trang, các nghệ sĩ phải bảo đảm được thần thái, màu sắc của khuôn mặt phản ánh tính cách nhân vật hóa trang.” Đáp án: C
Câu 29 [688507]: Thông tin nào khẳng định sức giá trị tinh thần của hát Bội?
A, “Hát Bội ở Nam Bộ thường được diễn ở khắp nơi, từ thành thị, chợ búa đến chốn nông thôn hẻo lánh.”
B, “Hát Bội đặc biệt từ nội dung cốt truyện đến cử chỉ, điệu bộ, lời ca tiếng hát và phục trang biểu diễn.”
C, “Hát Bội thường diễn lại những sự tích trong truyện cổ, có mục đích giáo dục, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân - nghĩa - lễ - trí - tín và đạo lí làm người.”
D, “Hát Bội đã gắn bó với những buồn vui, thăng trầm của lịch sử dân tộc và đất nước suốt mấy trăm năm trở lại đây”
- Loại A vì câu này nói về phạm vi biểu diễn của hát Bội.
- Loại B vì đây là nhận xét về tính đặc biệt và phong cách của hát Bội, không thể hiện giá trị tinh thần.
- Loại C vì câu này nói về nội dung và mục đích của hát Bội.
⟶ D là đáp án đúng vì câu này khẳng định sự tồn tại lâu dài của hát Bội trong lịch sử, hát Bội mang giá trị tinh thần to lớn, gắn bó với dân tộc ta suốt mấy trăm năm trở lại đây. Đáp án: D
Câu 30 [688508]: Theo đoạn trích, kết cục của những tuồng hát thường theo hướng nào?
A, Có hậu
B, Gần với cuộc sống đời thường
C, Theo mong muốn của nhân dân
D, Theo ý muốn chủ quan của người sáng tạo
Dựa vào thông tin trong câu: “Kết cục của những tuồng hát bao giờ cũng có hậu và răn dạy người đời…”
⟶ Kết cục của những tuồng hát thường theo hướng có hậu. Đáp án: A
Chùm 07. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “(1) Hiện nay, thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường từ các chợ dân sinh cho đến các cửa hàng trực tuyến; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề nhức nhối, chưa có cách giải quyết triệt để. Hầu hết các thực phẩm này không bảo đảm về chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng khó để lựa chọn được các sản phẩm bảo đảm cho sức khỏe.
    (2) Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã sử dụng các hóa chất kích thích tăng trưởng, cám tăng trưởng trong chăn nuôi, trong chế biến nông, thủy sản; sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa, hóa chất tạo màu, tạo mùi cùng vô vàn những loại hóa chất độc hại khác. Tất cả những thành phần hóa chất độc hại này đều ngấm vào thực phẩm và chúng ta lại dùng để làm thức ăn hằng ngày.
    (3) Mặt khác, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm bị nhiễm độc từ môi trường, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, tưới tiêu trong nông nghiệp làm tăng nguy cơ rau, quả nhiễm hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh. Các cơ sở chế biến không bảo đảm đúng quy trình chế biến, không có giấy phép đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường làm việc không bảo đảm vệ sinh... Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người.”
(Hoàng Thị Hậu, An toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề nhức nhối hiện nay, theo quanlinhanuoc.vn)
Câu 31 [688509]: Nội dung chính của đoạn trích là gì?
A, Nguyên nhân dẫn đến việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm
B, Hậu quả từ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm
C, Giải pháp cho vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm
D, Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm
Đoạn trích tập trung phân tích nguyên nhân gây ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, như việc sử dụng hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường và quy trình chế biến không đảm bảo. Đáp án: A
Câu 32 [688510]: Trong đoạn trích, cụm từ nào không cùng nhóm với các cụm từ còn lại?
A, Chất kích thích
B, Chất tạo màu, tạo mùi
C, Chất tẩy rửa
D, Kim loại nặng
Các cụm từ “chất kích thích”, “chất tạo màu, tạo mùi” và “chất tẩy rửa” là những hóa chất do con người trực tiếp thêm vào thực phẩm trong quá trình sản xuất và chế biến.
⟶ Kim loại nặng không cùng nhóm với các cụm từ còn lại vì nó là tác nhân gây hại từ môi trường tự nhiên hoặc nước thải chứ không phải là chất do con người cố ý thêm vào thực phẩm. Đáp án: D
Câu 33 [688511]: Diễn đạt nào trong đoạn (1) không nhằm phản ánh thực trạng của việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm?
A, Thực phẩm bẩn đang tràn lan
B, Người tiêu dùng khó để lựa chọn được các sản phẩm bảo đảm cho sức khỏe
C, Mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng gia tăng
D, Các thực phẩm này không bảo đảm về chất lượng
- Loại A, C, D vì đó đều là những câu văn phản ánh thực trạng của việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm
- B là đáp án đúng vì việc người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn là hệ quả của tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, không phải là thực trạng của vấn đề này. Đáp án: B
Câu 34 [688512]: Từ ngữ nào sau đây đề cập đến vai trò của các cơ quản chức năng trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm?
A, Quy trình sản xuất
B, Môi trường làm việc
C, Giấy phép đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm
D, Người tiêu dùng
C là đáp án đúng vì giấy phép là minh chứng cho vai trò kiểm soát và cấp phép của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp án: C
Câu 35 [688513]: Ý nào dưới đây phù hợp nhất để xuất hiện ở vị trí trước đó của đoạn trích?
A, Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn cầu
B, Hệ luỵ từ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm
C, Khái niệm an toàn vệ sinh thực phẩm
D, Giải pháp cho thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm
Ý phù hợp nhât để xuất hiện ở vị trí trước đó của đoạn trích là khái niệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề được đề cập trong đoạn trích, việc đưa ra một định nghĩa về an toàn vệ sinh thực phẩm ở đầu đoạn sẽ giúp họ hiểu rõ và nắm bắt được vấn đề một cách tổng quát. Đáp án: C
Chùm 08. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “(1) Thượng Kinh kí sự là tác phẩm được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết vào năm 1782, nội dung ghi chép lại những sự việc diễn ra trong chuyến đi từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên Kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm.
    (2) Trong tác phẩm này, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã kí chép rất chân thực, sinh động bức tranh xã hội đương thời, từ cuộc sống của giới thượng lưu đến tầng lớp bình dân, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ con người đến cảnh sắc thiên nhiên, từ sinh hoạt đến trình độ của đội ngũ thầy thuốc cung đình... Qua Thượng Kinh kí sự ta thấy một lối văn giản dị, gần gũi, trung thành với hiện thực, không phê phán trực diện nhưng lại vô cùng tinh tế, sâu sắc.
    (3) Ngoài việc ghi chép hành trình lên Kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, Thượng Kinh kí sự còn gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm của Lê Hữu Trác về cuộc sống, về thế sự, trong đó nổi bật là quan điểm của Hải Thượng Lãn Ông về vấn đề “lợi danh”, “danh lợi”, “công danh”,...
    (4) Chỉ với một thiên kí sự không dài nhưng có tới 10 lần tác giả sử dụng từ “lợi danh”, “danh lợi”, cùng với đó là gần chục từ có nghĩa tương đồng như “công danh”, “cái lợi”, “không tham”,... Có lẽ, trong văn học trung đại Việt Nam, ít có một tác phẩm nào đề cập nhiều đến vấn đề “lợi danh” như trong Thượng Kinh kí sự.
    (5) Ngay từ những trang đầu của tác phẩm, tác giả viết: “Mình thuở trẻ mài gươm, đọc sách. Mười lăm năm phiêu bạt giang hồ, không có cái gì là sở đắc. Mình đã xem công danh là vật bỏ, về núi Hương Sơn dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách, mong tiêu dao vui thú trong cái vườn đạo lí của Hoàng Đế, Kỳ Bá, lấy việc giữ thân mình, cứu giúp người cho là đắc sách lắm. Nay không ngờ lại bị cái hư danh làm lụy đến nông nỗi này”.
(Nguyễn Tùng Lĩnh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với hai chữ “lợi danh”, theo nhandan.vn)
Câu 36 [688514]: Chi tiết “ghi chép lại những sự việc diễn ra trong chuyến đi từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên Kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm” cung cấp thông tin nào sau đây?
A, Quê quán của tác giả “Thượng kinh kí sự”
B, Hình thức nghệ thuật của “Thượng kinh kí sự”
C, Thời điểm sáng tác “Thượng kinh kí sự”
D, Nội dung của tác phẩm “Thượng kinh kí sự”
Chi tiết này chỉ rõ nội dung chính của tác phẩm, đó là ghi chép về chuyến đi của tác giả từ Hương Sơn lên Kinh đô để chữa bệnh cho thế tử và chúa Trịnh Sâm. Đây là phần miêu tả sự kiện chính của tác phẩm. Đáp án: D
Câu 37 [688515]: Trong đoạn (2), chi tiết nào thông tin về hình thức nghệ thuật của tác phẩm “Thượng kinh kí sự”?
A, “từ con người đến cảnh sắc thiên nhiên”
B, “lối văn giản dị, gần gũi, trung thành với hiện thực”
C, “cuộc sống của giới thượng lưu đến tầng lớp bình dân”
D, “kí chép rất chân thực, sinh động bức tranh xã hội đương thời”
- Loại A vì đây là chi tiết miêu tả đối tượng mà tác phẩm phản ánh.
- Loại C vì đây là chi tiết miêu tả về nội dung tác phẩm.
- Loại D vì đây là chi tiết đánh giá về nội dung tác phẩm.
⟶ B là đáp án đúng vì chi tiết này nói đến phong cách viết của tác phẩm, thể hiện rõ hình thức nghệ thuật của “Thượng Kinh kí sự” qua cách dùng từ ngữ gần gũi và trung thực với hiện thực, không dùng hoa mỹ hay lý tưởng hóa. Đáp án: B
Câu 38 [688516]: “Mình thuở trẻ mài gươm, đọc sách. Mười lăm năm phiêu bạt giang hồ, không có cái gì là sở đắc. Mình đã xem công danh là vật bỏ, về núi Hương Sơn dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách, mong tiêu dao vui thú trong cái vườn đạo lí của Hoàng Đế, Kỳ Bá, lấy việc giữ thân mình, cứu giúp người cho là đắc sách lắm. Nay không ngờ lại bị cái hư danh làm lụy đến nông nỗi này.”Câu nào trong đoạn văn trên thể hiện thái độ trước “lợi danh” của Lê Hữu Trác?
A, “Mình thuở trẻ mài gươm, đọc sách.”
B, “Mười lăm năm phiêu bạt giang hồ, không có cái gì là sở đắc.”
C, “Mình đã xem công danh là vật bỏ, về núi Hương Sơn dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách, mong tiêu dao vui thú trong cái vườn đạo lí của Hoàng Đế, Kỳ Bá, lấy việc giữ thân mình, cứu giúp người cho là đắc sách lắm.”
D, “Nay không ngờ lại bị cái hư danh làm lụy đến nông nỗi này.”
- Loại A vì câu này chỉ nói về giai đoạn học hành và mài giũa bản thân trong tuổi trẻ của Lê Hữu Trác.
- Loại B vì câu này chỉ miêu tả những năm tháng phiêu bạt của Lê Hữu Trác, không trực tiếp thể hiện thái độ của ông đối với “lợi danh”.
- Loại D vì dù câu này thể hiện sự tiếc nuối vì bị "hư danh" chi phối, nhưng không phải là thái độ về “lợi danh” khi ông từ bỏ công danh.
⟶ C là đáp án đúng vì câu này thể hiện thái độ Lê Hữu Trác từ bỏ công danh và lựa chọn một cuộc sống thanh bạch, giản dị, không màng đến “lợi danh” mà chỉ mong tìm niềm vui trong việc tu dưỡng đạo đức. Đáp án: C
Câu 39 [688517]: Trong đoạn trích, diễn đạt nào sau đây không cùng nhóm với các diễn đạt còn lại?
A, “rất chân thực, sinh động”
B, “lối văn giản dị, gần gũi”
C, “vô cùng tinh tế, sâu sắc”
D, “gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm”
Các cụm từ “rất chân thực, sinh động”, “lối văn giản dị, gần gũi” và “vô cùng tinh tế, sâu sắc” đều liên quan đến việc miêu tả lối viết của tác giả, mang tính chất cụ thể về đặc điểm văn phong (chân thực, sinh động, giản dị, gần gũi, tinh tế). Còn cụm “gửi gắm nhiều tư tưởng, quan điểm” nói về nội dung tư tưởng, không phải đặc điểm văn phong. Đáp án: D
Câu 40 [688518]: Thái độ của người viết dành cho Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được thể hiện trong đoạn trích là gì?
A, Yêu kính
B, Sùng bái
C, Tôn thờ
D, Thần phục
- Loại B vì sùng bái thể hiện thái độ tôn thờ quá mức, trong khi đoạn trích thể hiện sự kính trọng mà không phóng đại quá mức.
- Loại C vì tôn thờ là ngưỡng mộ, coi trọng đến mức cho là thiêng liêng đối với mình, không phải là thái độ của người viết.
- Loại D vì thần phục là chịu phục tùng và tự nhận làm bề tôi của vua hoặc chư hầu của nước lớn, không phù hợp để nói về thái độ.
⟶ A là đáp án đúng vì toàn bộ đoạn trích thể hiện sự ngưỡng mộ và trân trọng của tác giả đối với Hải Thượng Lãn Ông, đặc biệt là qua việc phân tích sâu sắc tư tưởng, quan điểm của ông về cuộc sống và danh lợi. Đáp án: A
Chùm 09. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “Sự kiện mở đầu cho kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người, được ghi nhận diễn ra vào lúc 9h7’ ngày 12/4/1961, khi tàu Phương Đông của Liên Xô mang theo nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin (1934 -1968) xuất phát.
    10 phút sau, tàu Phương Đông đi vào quỹ đạo, với tốc độ 18 nghìn dặm một giờ (1 dặm bằng 1,6 km) và Gagarin trở thành người đầu tiên nhìn thấy Trái đất từ bên ngoài vũ trụ. Theo mô tả sau này của ông thì Trái đất màu xanh da trời, bên cạnh là bầu trời tối thẫm, điểm muôn vàn vì sao rất sáng. Gagarin không nhìn thấy Mặt trăng nhưng Mặt trời thì rất sáng, sáng gấp hàng chục lần khi nhìn từ mặt đất.
    Câu nói đầu tiên từ vũ trụ của Gagarin chuyển về Trái đất là: “Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Đây cũng chính là thông điệp hòa bình bất diệt mà Liên Xô thời đó đã chuyển tới con người trên khắp hành tinh.
    Sau khi bay một vòng quanh Trái đất hết 108 phút, tàu vũ trụ Phương Đông hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Volga.
    Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ đã thành công vang dội. Cả thế giới hân hoan chào đón và cũng từ đó cuộc đua khám phá vũ trụ càng trở nên sôi nổi, mà dẫn đầu là Liên Xô (sau này là Nga) và Mỹ. Chuyến bay đầu tiên của con tàu Phương Đông cho thấy giấc mơ ngàn đời của nhân loại là thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ đã trở thành hiện thực.”
(Phan Quang Vũ, Kỉ nguyên mới trong hành trình khám phá vũ trụ, theo daidoanket.vn)
Câu 41 [688519]: Sự kiện được đề cập đến trong đoạn trích là gì?
A, Yuri Gagarin truyền về trái đất thông điệp hoà bình.
B, Tàu Phương Đông của Liên Xô thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa con người vào vũ trụ.
C, Thế giới chào đón cuộc đua khám phá vũ trụ của Liên Xô và Mỹ.
D, Tàu Phương Đông hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Volga.
- Loại A vì đây chỉ là một chi tiết trong sự kiện, không phải là sự kiện chính.
- Loại C vì đây là hệ quả của sự kiện được đề cập.
- Loại D vì đây chỉ là kết thúc của sự kiện chính.
⟶ B là đáp án đúng vì toàn bộ đoạn trích tập trung miêu tả chi tiết về chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin trên tàu Phương Đông, mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Đáp án: B
Câu 42 [688520]: Từ nào sau đây không cùng nhóm với các từ còn lại?
A, Mặt trời
B, Mặt trăng
C, Vũ trụ
D, Trái đất
Mặt trời, mặt trăng và trái đất đều là các thiên thể trong vũ trụ, trong khi vũ trụ là không gian bao la chứa đựng tất cả các thiên thể đó. Đáp án: C
Câu 43 [688521]: Theo đoạn trích, chuyến bay đầu tiên của con tàu Phương Đông thể hiện giấc mơ nào của nhân loại?
A, Chinh phục vũ trụ
B, Chinh phục Mặt trăng
C, Chinh phục Sao Hoả
D, Thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ
Dựa vào câu văn: “Chuyến bay đầu tiên của con tàu Phương Đông cho thấy giấc mơ ngàn đời của nhân loại là thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ đã trở thành hiện thực.” ⟶ Chuyến bay đầu tiên của con tàu Phương Đông thể hiện giấc mơ thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ của nhân loại. Đáp án: D
Câu 44 [688522]: Tàu Phương Đông bay vòng quanh Trái đất trong thời gian bao lâu?
A, 108 phút
B, 10 phút
C, 1 giờ
D, 7 năm
Dựa vào câu văn: “Sau khi bay một vòng quanh Trái đất hết 108 phút, tàu vũ trụ Phương Đông hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Volga.”
⟶ Tàu Phương Đông bay vòng quanh Trái đất trong thời gian 108 phút. Đáp án: A
Câu 45 [688523]: Từ “hành tinh” (in đậm) trong đoạn trích cùng nghĩa với từ nào sau đây?
A, Vũ trụ
B, Trái đất
C, Mặt trăng
D, Mặt trời
Trong ngữ cảnh của đoạn trích, từ “hành tinh” được sử dụng để chỉ Trái đất - nơi con người sinh sống. Đáp án: B
Chùm 10. Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời các câu hỏi từ 01 đến 05
    “Huyện Nguyên Bình cách thành phố Cao Bằng khoảng 40 km về phía tây, với dân số khoảng 45.000 người, đa dạng các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, H’Mông, Lô Lô... và nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với nhiều cảnh quan thơ mộng, nhiều giá trị địa chất, địa mạo cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều người ví miền đất này như cây cầu kết nối mọi hình dung, sắc màu, cung bậc của miền non nước. Có lẽ thế, bởi trong kí ức, ngay cả những mùa hoa nơi đây dường như cũng chiều lòng người, nối nhau dâng hương sắc, không theo một quy luật nào cụ thể...
    Địa hình đồi núi, cao nguyên trùng điệp cùng hệ sinh thái lớp lang, phong phú tạo cho Nguyên Bình sức hút tự nhiên. Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén là điểm đến không thể bỏ qua với nhiều du khách trong hành trình khám phá. Không chỉ đơn thuần là rừng thẳm, núi cao... nơi đây còn chứa đựng nhiều điều kì lạ, huyền bí trong vẻ bình yên như tiên cảnh. Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Kolia ở xã Thành Công giới thiệu: “Nếu không có mưa lũ thì nơi này luôn đón du khách bằng những mùa hoa nối tiếp nhau. Hoa xứ này lạ lắm! Xuân thì đương nhiên là đào, mận, lê, mai. Hè có đỗ quyên cổ thụ rực rỡ thắp lửa như báo hiệu. Thu tím ngát, mộng mơ với hoa sim, tam giác mạch. Mùa đông cả cao nguyên vàng rực dã quỳ...”. Hưởng nền khí hậu được ví như “Đà Lạt của Cao Bằng”, khoảng cách những mùa hoa được xóa nhòa, khiến mọi cung bậc sắc hương trở nên hòa quyện. Chẳng thế mà sau những đợt mở trại sáng tác văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ cả nước đã ra mắt tập sách và gọi nơi đây là “miền nhớ”, gọi những mùa hoa ở đây là quên nhịp, như trái tim khấp khởi tình yêu.”
(Lữ Mai, Xanh lại Nguyên Bình, theo nhandan.vn)
Câu 46 [688524]: Cụm từ “miền đất này” (in đậm) trong đoạn trích chỉ đối tượng nào sau đây?
A, Tỉnh Cao Bằng
B, Huyện Nguyên Bình
C, Khu du lịch sinh thái Kolia
D, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
Cụm từ “miền đất này” được lặp lại nhiều lần trong đoạn văn, luôn ám chỉ đến địa điểm cụ thể đang được miêu tả, đó chính là huyện Nguyên Bình. Đáp án: B
Câu 47 [688525]: Theo ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Kolia, điểm đặc biệt trong cảnh quan thiên nhiên Nguyên Bình là gì?
A, Những mùa hoa nối tiếp nhau
B, Nhiều giá trị địa chất, địa mạo
C, Nhiều điều kì lạ, huyền bí trong vẻ bình yên như tiên cảnh
D, Cảnh quan thơ mộng
Dựa vào thông tin trong đoạn: “Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Kolia ở xã Thành Công giới thiệu: “Nếu không có mưa lũ thì nơi này luôn đón du khách bằng những mùa hoa nối tiếp nhau…”
⟶ Theo ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Kolia, điểm đặc biệt trong cảnh quan thiên nhiên Nguyên Bình là những mùa hoa nối tiếp nhau. Đáp án: A
Câu 48 [688526]: Theo đoạn trích, dã quỳ là loài hoa đặc trưng của mùa nào?
A, Mùa xuân
B, Mùa hạ
C, Mùa thu
D, Mùa đông
Dựa vào câu: “Mùa đông cả cao nguyên vàng rực dã quỳ...”
⟶ Dã quỳ là loài hoa đặc trưng của mùa đông. Đáp án: D
Câu 49 [688527]: Thông tin nào sau đây thuộc loại dữ liệu thứ cấp?
A, “Huyện Nguyên Bình cách thành phố Cao Bằng khoảng 40 km về phía tây, với dân số khoảng 45.000 người, đa dạng các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, H’Mông, Lô Lô...”
B, Nguyên Bình có nền khí hậu được ví như “Đà Lạt của Cao Bằng”.
C, Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Kolia ở xã Thành Công giới thiệu: “Nếu không có mưa lũ thì nơi này luôn đón du khách bằng những mùa hoa nối tiếp nhau. Hoa xứ này lạ lắm! Xuân thì đương nhiên là đào, mận, lê, mai. Hè có đỗ quyên cổ thụ rực rỡ thắp lửa như báo hiệu. Thu tím ngát, mộng mơ với hoa sim, tam giác mạch. Mùa đông cả cao nguyên vàng rực dã quỳ...”.
D, “Địa hình đồi núi, cao nguyên trùng điệp cùng hệ sinh thái lớp lang, phong phú tạo cho Nguyên Bình sức hút tự nhiên.”
Đáp án C là là dữ liệu thứ cấp, vì nó xuất phát từ lời giới thiệu của một cá nhân – ông Hoàng Mạnh Ngọc – về đặc trưng của vùng đất, được trích dẫn lại trong văn bản. Đáp án: C
Câu 50 [688528]: Theo đoạn trích, sau những đợt mở trại sáng tác văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ gọi vùng đất Nguyên Bình là gì?
A, “điểm đến không thể bỏ qua”
B, “Đà Lạt của Cao Bằng”
C, “Công viên địa chất toàn cầu”
D, “miền nhớ”
Dựa vào thông tin trong câu: “Chẳng thế mà sau những đợt mở trại sáng tác văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ cả nước đã ra mắt tập sách và gọi nơi đây là “miền nhớ”, gọi những mùa hoa ở đây là quên nhịp, như trái tim khấp khởi tình yêu.”
⟶ Sau những đợt mở trại sáng tác văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ gọi vùng đất Nguyên Bình là “miền nhớ”. Đáp án: D