Đáp án Dạng 1C. Xác định một từ/ cụm từ sai về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách
Câu 1 [687811]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Với truyện ngắn “Miền cỏ hoang” (Trần Thanh Hà) đã khai thác thành công đề tài chiến tranh - hậu chiến, một đề tài quen thuộc của văn học Việt Nam trước và sau năm 1975.
A, trước và sau
B, Với truyện ngắn “Miền cỏ hoang”
C, chiến tranh - hậu chiến
D, thành công
- Cụm từ “Với truyện ngắn “Miền cỏ hoang” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Truyện ngắn “Miền cỏ hoang” (Trần Thanh Hà) đã khai thác thành công đề tài chiến tranh - hậu chiến, một đề tài quen thuộc của văn học Việt Nam trước và sau năm 1975. Đáp án: B
Câu 2 [687812]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự đã mang đến những hệ quả tuyệt vời cho nhân loại.
A, hệ quả
B, nhân loại
C, Trí tuệ nhân tạo
D, mang đến
- Từ “hệ quả” dùng sai nghĩa do nó mang sắc thái tiêu cực nên không phù hợp với nghĩa của câu.
- Sửa lại: Trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự đã mang đến những kết quả tuyệt vời cho nhân loại. Đáp án: A
Câu 3 [687813]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Nền văn học Việt Nam là sự tiếp nối không ngừng nghỉ của các bộ phận văn học viết, văn học dân gian.
A, không ngừng nghỉ
B, bộ phận
C, văn học viết
D, Nền văn học Việt Nam
- Cụm từ “văn học viết” mắc lỗi sai logic vì văn học dân gian ra đời trước văn học viết.
- Sửa lại: Nền văn học Việt Nam là sự tiếp nối không ngừng nghỉ của các bộ phận văn học dân gian, văn học viết. Đáp án: C
Câu 4 [687814]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.

Phép so sánh được tác giả dân gian sử dụng rất là triệt để trong lời thơ, làm hiện lên hình dung xinh đẹp của người con gái thời xưa.
A, xinh đẹp
B, người con gái thời xưa
C, rất là
D, tác giả dân gian
- Từ “rất là” sử dụng sai phong cách.
- Sửa lại: Phép so sánh được tác giả dân gian sử dụng triệt để trong lời thơ, làm hiện lên hình dung xinh đẹp của người con gái thời xưa. Đáp án: C
Câu 5 [687815]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Mặc dù rất chăm chỉ ôn tập song kết quả thi của tôi rất khả quan.
A, chăm chỉ
B, ôn tập
C, kết quả
D, rất khả quan
- Cụm từ “rất khả quan” sử dụng sai về ngữ nghĩa. Câu sử dụng quan hệ từ “mặc dù” kết hợp với từ “song” biểu thị 2 vế câu có sự tương phản đối lập. Nếu ôn tập chăm chỉ mà kết quả tốt (khả quan) thì câu không biểu thị sự tương phản đối lập.
- Sửa lại: Mặc dù rất chăm chỉ ôn tập, song kết quả thi của tôi không mấy khả quan. Đáp án: D
Câu 6 [687816]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Với số tiền đã quyên góp, sẽ hỗ trợ được nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn,...
A, hoàn cảnh khó khăn
B, Với số tiền đã quyên góp
C, neo đơn
D, hỗ trợ
- Cụm từ “Với số tiền đã quyên góp” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Số tiền đã quyên góp sẽ hỗ trợ được nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn,... Đáp án: B
Câu 7 [687817]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Theo dự báo thời tiết mới nhất, một bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang lặng lẽ di chuyển xuống phía Nam.
A, lặng lẽ
B, không khí lạnh
C, xuống phía Nam
D, dự báo thời tiết
- Từ “lặng lẽ” sử dụng sai phong cách, từ này không được sử dụng trong các văn bản khoa học.
- Sửa lại: Một bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang di chuyển chậm xuống phía Nam. Đáp án: A
Câu 8 [687818]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Thị trường lao động những năm tới đây sẽ có nhiều biến động bởi tác hại to lớn từ trí tuệ nhân tạo (AI).
A, tác hại
B, Thị trường lao động
C, trí tuệ nhân tạo
D, biến động
- Từ “tác hại” sử dụng sai về ngữ nghĩa vì mang sắc thái tiêu cực, không phù hợp với nghĩa của câu.
- Sửa lại: Thị trường lao động những năm tới đây sẽ có nhiều biến động bởi tác động to lớn từ trí tuệ nhân tạo (AI). Đáp án: A
Câu 9 [687819]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Qua câu chuyện được kể, mỗi lúc một rõ ràng những uẩn khúc gắn liền với hình tượng nhân vật chính của truyện.
A, Qua câu chuyện được kể
B, nhân vật chính
C, uẩn khúc
D, rõ ràng
- Cụm từ “Qua câu chuyện được kể” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Câu chuyện được kể mỗi lúc một rõ ràng những uẩn khúc gắn liền với hình tượng nhân vật chính của truyện. Đáp án: A
Câu 10 [687820]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Chúng tôi cho rằng sau này sẽ chẳng ai có thể viết hay hơn về đề tài hậu chiến bằng cánh nhà văn này.
A, chẳng ai
B, cho rằng
C, cánh nhà văn
D, đề tài hậu chiến
- Cụm từ “cánh nhà văn” sử dụng sai về phong cách, thể hiện sắc thái không tôn trọng, không phù hợp với ngữ cảnh câu văn.
- Sửa lại: Chúng tôi cho rằng sau này sẽ chẳng ai có thể viết hay hơn về đề tài hậu chiến bằng các nhà văn này. Đáp án: C
Câu 11 [687821]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Bố gọi điện cho anh em chúng tôi, nói cần chúng tôi tham mưu để chọn được món quà phù hợp với mẹ.
A, món quà
B, tham mưu
C, gọi điện
D, phù hợp
- Từ “tham mưu” không phù hợp với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt của câu.
- Sửa lại: Bố gọi điện cho anh em chúng tôi, nói cần chúng tôi góp ý để chọn được món quà phù hợp với mẹ. Đáp án: B
Câu 12 [687822]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Những vấp ngã trên đường đời không bao giờ mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá.
A, không bao giờ
B, quý giá
C, cho chúng ta
D, vấp ngã
- Cụm từ “không bao giờ” sai logic. Thực tế, những vấp ngã sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho con người.
- Sửa lại: Những vấp ngã trên đường đời sẽ mang đến cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá. Đáp án: A
Câu 13 [687823]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Bằng cách khắc hoạ nhân vật linh hoạt, thể hiện tài năng của người cầm bút trong thể loại truyện ngắn, một thể loại văn học đạt được nhiều thành tựu từ sau năm 1975.
A, thành tựu
B, người cầm bút
C, thể loại văn học
D, Bằng cách khắc hoạ nhân vật linh hoạt
- Cụm từ “Bằng cách khắc hoạ nhân vật linh hoạt” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Cách khắc hoạ nhân vật linh hoạt thể hiện tài năng của người cầm bút trong thể loại truyện ngắn, một thể loại văn học đạt được nhiều thành tựu từ sau năm 1975. Đáp án: D
Câu 14 [687824]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Các sản phẩm này sẽ được bày bán ở các gian hàng đầu tiên nhằm cuốn hút khách tham dự hội chợ.
A, gian hàng
B, cuốn hút
C, hội chợ
D, bày bán
- Từ “cuốn hút” không phù hợp với phong cách ngôn ngữ trang trọng.
- Sửa lại: Các sản phẩm này sẽ được bày bán ở các gian hàng đầu tiên nhằm thu hút khách tham dự hội chợ. Đáp án: B
Câu 15 [687825]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Cá, tôm, cua, ghẹ,... là muông thú góp phần làm nên sự đa dạng của hệ sinh thái biển.
A, muông thú
B, làm nên
C, hệ sinh thái biển
D, đa dạng
- Từ “muông thú” sai về ngữ nghĩa. “Muông thú” nghĩa là thú rừng, thường dùng để chỉ các loài động vật sống trên cạn, đặc biệt là thú, không bao gồm các loài sinh vật biển như cá, tôm, cua, ghẹ,…
- Sửa lại: Cá, tôm, cua, ghẹ,... là những loài sinh vật góp phần làm nên sự đa dạng của hệ sinh thái biển. Đáp án: A
Câu 16 [687826]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Tiếng ve râm ran suốt đêm báo hiệu những ngày thu đương độ.
A, râm ran
B, những ngày thu
C, suốt đêm
D, đương độ
- Cụm từ “những ngày thu” sai về logic, thực tế tiếng ve thường gắn liền với mùa hè, không phải mùa thu.
- Sửa lại: Tiếng ve râm ran suốt đêm báo hiệu những ngày hè đương độ. Đáp án: B
Câu 17 [687827]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy khủng long từng xuất hiện trên trái đất này và sau đó chúng đã bị diệt chủng.
A, khủng long
B, trái đất
C, diệt chủng
D, bằng chứng khoa học
- Từ “diệt chủng” sai về ngữ nghĩa. “Diệt chủng” thường được dùng để chỉ việc tiêu diệt một chủng tộc hoặc một nhóm sinh vật do con người hoặc do các yếu tố khác gây ra nhằm mục đích nhất định vì thế không phù phù về ngữ nghĩa trong câu văn này.
- Sửa lại: Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy khủng long từng xuất hiện trên trái đất này và sau đó chúng đã bị tuyệt chủng. Đáp án: C
Câu 18 [687828]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
không ít bộ phim hoạt hình chuyển thể từ câu chuyện của văn hóa dân gian Việt Nam được đầu tư siêu bài bản với mục tiêu đưa văn hóa Việt tới khán giả toàn cầu.
A, toàn cầu
B, văn hóa dân gian
C, siêu bài bản
D, không ít
- Cụm từ “siêu bài bản” thường dùng trong văn nói, không phù hợp với phong cách ngôn ngữ trang trọng của câu.
- Có không ít bộ phim hoạt hình chuyển thể từ câu chuyện của văn hóa dân gian Việt Nam được đầu tư rất bài bản với mục tiêu đưa văn hóa Việt tới khán giả toàn cầu. Đáp án: C
Câu 19 [687829]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Từ những câu chuyện đời thường cảm động, đã lay động cảm xúc trong lòng bạn đọc trẻ trót yêu Nguyễn Nhật Ánh.
A, trong lòng
B, Từ những câu chuyện đời thường cảm động
C, lay động
D, trót yêu
- Cụm từ “Từ những câu chuyện đời thường cảm động” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Những câu chuyện đời thường cảm động đã lay động cảm xúc trong lòng bạn đọc trẻ trót yêu Nguyễn Nhật Ánh. Đáp án: B
Câu 20 [687830]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Trước tình huống bất ngờ, cô gái thét lên một tiếng yếu ớt rồi lao nhanh về phía bên phải.
A, cô gái
B, yếu ớt
C, tình huống
D, phía bên phải
- Từ “yếu ớt” sai về mặt ngữ nghĩa và logic. Khi gặp tình huống bất ngờ và hoảng sợ, một người thường sẽ thét lên to và rõ để thể hiện sự sợ hãi hoặc hoảng loạn. Từ “yếu ớt” lại mang nghĩa thiếu sức lực, không phù hợp để mô tả một tiếng thét trong bối cảnh này.
- Sửa lại: Trước tình huống bất ngờ, cô gái thét lên một tiếng kinh hãi rồi lao nhanh về phía bên phải. Đáp án: B
Câu 21 [687831]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Sau rất nhiều lần bị hành hạ, người đàn bà ấy vẫn luôn vị tha cho sự tàn tệ của gã chồng vũ phu.
A, sự tàn tệ
B, bị hành hạ
C, vũ phu
D, vị tha
- Từ “vị tha” sử dụng sai ngữ pháp. “Vị tha” là tính từ, trong khi ở vị trí đó phải là một động từ mới phù hợp về ngữ nghĩa và ngữ pháp.
- Sửa lại: Sau rất nhiều lần bị hành hạ, người đàn bà ấy vẫn luôn tha thứ cho sự tàn tệ của gã chồng vũ phu. Đáp án: D
Câu 22 [687832]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Mạng xã hội xuất hiện nhiều “chợ online” rao bán công khai các đề tài, dự án để tham dự Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.
A, công khai
B, “chợ online”
C, tham dự
D, Mạng xã hội
- Cụm từ “chợ online” thường dùng trong văn nói, không phù hợp với phong cách ngôn ngữ của câu.
- Sửa lại: Mạng xã hội xuất hiện nhiều nền tảng trực tuyến rao bán công khai các đề tài, dự án để tham dự Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Đáp án: B
Câu 23 [687833]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Các chế phẩm từ sữa cần được bảo vệ trong điều kiện lí tưởng để giữ chất lượng.
A, điều kiện lí tưởng
B, chế phẩm từ sữa
C, chất lượng
D, bảo vệ
- Từ “bảo vệ” sai về ngữ nghĩa. “Bảo vệ” thường được dùng để chỉ hành động giữ an toàn cho ai đó hoặc cái gì đó khỏi nguy hiểm, không phù hợp trong ngữ cảnh này.
- Sửa lại: Các chế phẩm từ sữa cần được bảo quản trong điều kiện lí tưởng để giữ chất lượng. Đáp án: D
Câu 24 [687834]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Sau bốn tháng phát động, Cuộc thi đã thu hút vô cùng nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia.
A, các tầng lớp nhân dân
B, vô cùng nhiều
C, thu hút
D, phát động
- Cụm từ “vô cùng nhiều” không phù hợp với phong cách ngôn ngữ trang trọng của câu.
- Sửa lại: Sau bốn tháng phát động, Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Đáp án: B
Câu 25 [687835]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Công tác tập dượt cho tiết mục biểu diễn rất kĩ lưỡng nên chúng tôi không mấy tự tin vào chiến thắng của đội mình.
A, tập dượt
B, chiến thắng
C, tiết mục biểu diễn
D, không mấy tự tin
- Cụm từ “không mấy tự tin” sai về logic. Câu văn nói rằng “công tác tập dượt cho tiết mục biểu diễn rất kĩ lưỡng”, điều này thường sẽ làm cho người biểu diễn cảm thấy tự tin hơn, vì thế cụm từ này mâu thuẫn với nghĩa của câu.
- Sửa lại: Công tác tập dượt cho tiết mục biểu diễn rất kĩ lưỡng nên chúng tôi rất tự tin vào chiến thắng của đội mình. Đáp án: D
Câu 26 [687836]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Từ những câu chuyện kì ảo, đã dẫn người đọc trở lại cuộc sống đời thường một cách tự nhiên.
A, trở lại
B, tự nhiên
C, Từ những câu chuyện kì ảo
D, đời thường
- Cụm từ “Từ những câu chuyện kì ảo” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Những câu chuyện kì ảo đã dẫn người đọc trở lại cuộc sống đời thường một cách tự nhiên. Đáp án: C
Câu 27 [687837]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Mặc dù bị giới chuyên gia đánh giá giảm sút về phong độ nhưng X. Vẫn luôn nỗ lực khẳng định giai cấp của mình bằng những pha bóng mãn nhãn trong nhiều trận đấu anh tham dự.
A, giai cấp
B, mãn nhãn
C, nỗ lực
D, giảm sút
- Từ “giai cấp” sai về ngữ nghĩa. “Giai cấp” là thuật ngữ thường được dùng để chỉ các tập đoàn người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, không phù hợp với ngữ cảnh của câu văn.
- Sửa lại: Mặc dù bị giới chuyên gia đánh giá giảm sút về phong độ nhưng X. Vẫn luôn nỗ lực khẳng định tài năng của mình bằng những pha bóng mãn nhãn trong nhiều trận đấu anh tham dự. Đáp án: A
Câu 28 [687838]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.

Biến đổi khí hậu
ngày càng gớm ghiếc và để lại những hậu quả khôn lường cho con người.
A, con người
B, hậu quả khôn lường
C, gớm ghiếc
D, Biến đổi khí hậu
- Từ “gớm ghiếc” không phù hợp về phong cách ngôn ngữ.
- Sửa lại: Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và để lại những hậu quả khôn lường cho con người. Đáp án: C
Câu 29 [687839]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Du khách đến thăm quan trải nghiệm, hưởng thụ món ăn ngon đặc sản của địa phương và mua các sản phẩm du lịch là quần áo, túi xách, dây đeo, khăn quàng làm bằng chất liệu vải thổ cẩm mang về làm quà biếu tặng người thân, gia đình, bạn bè.
A, chất liệu
B, hưởng thụ
C, Du khách
D, biếu tặng
- Từ “hưởng thụ” sai về ngữ nghĩa. “Hưởng thụ” mang nghĩa là hưởng của xã hội, trong quan hệ với cống hiến, không phù hợp khi nói về việc trải nghiệm món ăn ngon.
- Sửa lại: Du khách đến thăm quan trải nghiệm, thưởng thức món ăn ngon đặc sản của địa phương và mua các sản phẩm du lịch là quần áo, túi xách, dây đeo, khăn quàng làm bằng chất liệu vải thổ cẩm mang về làm quà biếu tặng người thân, gia đình, bạn bè. Đáp án: B
Câu 30 [687840]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Mười truyện trong “Những ngọn gió ở Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp đã kể cho chúng ta nghe những câu chuyện đậm đà màu cổ tích.
A, đậm đà
B, kể
C, chúng ta
D, Mười truyện
- Từ “đậm đà” sai về ngữ nghĩa. “Đậm đà” thường dùng để chỉ hương vị, sắc thái của món ăn hoặc sự thể hiện phong phú, đậm tính chất của một thứ gì đó, không phù hợp với ngữ cảnh của câu văn.
- Sửa lại: Mười truyện trong “Những ngọn gió ở Hua Tát” của Nguyễn Huy Thiệp đã kể cho chúng ta nghe những câu chuyện đậm màu cổ tích. Đáp án: A
Câu 31 [687841]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Mặc dù trời nắng rất to nhưng các bác nông dân vẫn đem thóc ra phơi trên sân kho hợp tác xã.
A, các bác nông dân
B, sân kho
C, rất to
D, thóc
- Cụm từ “rất to” sai về logic. Câu sử dụng cặp quan hệ từ “mặc dù – nhưng” nhằm biểu thị quan hệ tương phản đối lập giữa hai vế câu, cụm từ “rất to” làm câu sai về logic vì “các bác nông dân vẫn đem thóc ra phơi” không đối lập với “trời nắng rất to”.
- Sửa lại: Mặc dù trời nắng không to nhưng các bác nông dân vẫn đem thóc ra phơi trên sân kho hợp tác xã. Đáp án: C
Câu 32 [687842]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Xã hội ngày càng hiện đại, sự kết nối giữa con người với con người ngày càng trở nên xa xỉ.
A, sự kết nối
B, ngày càng
C, xa xỉ
D, hiện đại
- Từ “xa xỉ” sai về ngữ nghĩa. "Xa xỉ" thường được dùng để chỉ những thứ đắt đỏ, sang trọng, thường liên quan đến vật chất, không phù hợp với ngữ cảnh trong câu.
- Sửa lại: Xã hội ngày càng hiện đại, sự kết nối giữa con người với con người ngày càng trở nên khó khăn. Đáp án: C
Câu 33 [687843]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Với lượng rác thải khổng lồ này, sẽ nhanh chóng huỷ hoại môi trường sống của con người, đẩy chúng ta chìm sâu vào thảm cảnh nặng nề của biến đổi khí hậu.
A, môi trường sống
B, Với lượng rác thải khổng lồ này
C, thảm cảnh nặng nề
D, nhanh chóng
- Cụm từ “Với lượng rác thải khổng lồ này” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Lượng rác thải khổng lồ này sẽ nhanh chóng huỷ hoại môi trường sống của con người, đẩy chúng ta chìm sâu vào thảm cảnh nặng nề của biến đổi khí hậu. Đáp án: B
Câu 34 [687844]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Công nghệ làm mát giúp cho thực phẩm luôn giữ được chất lượng tươi tắn.
A, chất lượng
B, thực phẩm
C, Công nghệ làm mát
D, tươi tắn
- Từ “tươi tắn” sai về ngữ nghĩa. “Tươi tắn” thường dùng để miêu tả sự sống động, tươi mới của con người hoặc thực vật (như hoa, cây cỏ), nhưng không phù hợp khi nói về chất lượng của thực phẩm.
- Sửa lại: Công nghệ làm mát giúp cho thực phẩm luôn giữ được chất lượng tươi ngon. Đáp án: D
Câu 35 [687845]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Những viên đá mát lạnh trong li nước chanh đã làm ấm lòng lũ học trò nghèo chúng tôi.
A, nước chanh
B, lũ học trò nghèo
C, làm ấm lòng
D, mát lạnh
- Cụm từ “làm ấm lòng” sai về logic vì “những viên đá” không thể “làm ấm lòng”.
- Sửa lại: Những viên đá mát lạnh trong li nước chanh đã làm mát lòng lũ học trò nghèo chúng tôi. Đáp án: C
Câu 36 [687846]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Với cách trò chuyện hóm hỉnh, đã thực sự cuốn hút chúng tôi vào những câu chuyện hài hước, thú vị.
A, những câu chuyện
B, cuốn hút
C, thú vị
D, Với cách trò chuyện hóm hỉnh
- Cụm từ “Với cách trò chuyện hóm hỉnh” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Cách trò chuyện hóm hỉnh đã thực sự cuốn hút chúng tôi vào những câu chuyện hài hước, thú vị. Đáp án: D
Câu 37 [687847]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Sắc đỏ của gấc sẽ nhuộm tím những hạt gạo căng mẩy trong chõ xôi.
A, nhuộm tím
B, căng mẩy
C, gấc
D, chõ xôi
- Cụm từ “nhuộm tím” sai về logic. Sắc đỏ của gấc chỉ có thể nhuộm đỏ cho gạo.
- Sửa lại: Sắc đỏ của gấc sẽ nhuộm đỏ những hạt gạo căng mẩy trong chõ xôi. Đáp án: A
Câu 38 [687848]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Với những quả bóng bay nhiều sắc màu thả lên trời cao, đã thắp lên ước mơ về những điều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.
A, may mắn
B, Với những quả bóng bay nhiều sắc màu thả lên trời cao
C, thắp lên ước mơ
D, trong cuộc sống
- Cụm từ “Với những quả bóng bay nhiều sắc màu thả lên trời cao” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Những quả bóng bay nhiều sắc màu thả lên trời cao, đã thắp lên ước mơ về những điều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống. Đáp án: B
Câu 39 [687849]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Sự xuất hiện của cái xấu, cái ác trong những câu chuyện cổ tích đã nhen lên trong người đọc niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp trong đời.
A, niềm tin
B, chiến thắng
C, cái xấu, cái ác
D, câu chuyện cổ tích
- Cụm từ “cái xấu, cái ác” sai về logic. Câu văn muốn nhấn mạnh vào yếu tố khiến người đọc có niềm tin vào cái thiện, vì thế cụm từ không phù hợp với ngữ cảnh câu văn.
- Sửa lại: Sự xuất hiện của các chi tiết kì ảo trong những câu chuyện cổ tích đã nhen lên trong người đọc niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp trong đời. Đáp án: C
Câu 40 [687850]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Phiên giao dịch cuối tuần vừa qua đã chứng kiến sự nhập cuộc rộn ràng của dòng tiền, giúp thị trường ngập tràn sắc xanh.
A, sắc xanh
B, chứng kiến
C, giao dịch
D, rộn ràng
- Từ “rộn ràng” sai về ngữ nghĩa. “Rộn ràng” thường được dùng để diễn tả không khí nhộn nhịp, ồn ào, sôi động trong các hoạt động xã hội, sự kiện nên không phù hợp khi miêu tả sự nhập cuộc của dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
- Sửa lại: Phiên giao dịch cuối tuần vừa qua đã chứng kiến sự nhập cuộc mạnh mẽ của dòng tiền, giúp thị trường ngập tràn sắc xanh. Đáp án: D
Câu 41 [688291]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Việc bán các tín chỉ các-bon rừng là một trong những cách để các nước đang phát triển thu nhiều lợi nhuận.
A, các nước đang phát triển
B, thu nhiều lợi nhuận
C, bán
D, tín chỉ các-bon rừng
- Cụm từ “thu nhiều lợi nhuận” không phù hợp về ngữ nghĩa bởi việc bán tín chỉ các-bon là nhằm mục tiêu huy động nguồn tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường hoặc chống biến đổi khí hậu.
- Sửa lại: Việc bán các tín chỉ các-bon rừng là một trong những cách để các nước đang phát triển thu được nguồn vốn để đầu tư vào phát triển bền vững. Đáp án: B
Câu 42 [688292]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Với chiếc chìa khoá đặc biệt này, đã giúp chúng ta mở ra cánh cửa bước vào thế giới tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên.
A, thế giới tuổi thơ
B, Với chiếc chìa khoá đặc biệt này
C, hồn nhiên
D, mở ra
- Cụm từ “Với chiếc chìa khoá đặc biệt này” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Chiếc chìa khoá đặc biệt này đã giúp chúng ta mở ra cánh cửa bước vào thế giới tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên. Đáp án: B
Câu 43 [688293]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Hiện nhiều người dùng chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc giữ kín thông tin cá nhân, thiếu kiến thức và chủ quan trước các mối đe dọa lừa đảo trực tuyến.
A, tầm quan trọng
B, lừa đảo trực tuyến
C, thông tin cá nhân
D, giữ kín
- Từ “giữ kín” thường dùng trong văn nói, không phù hợp về phong cách ngôn ngữ trang trọng của câu.
- Sửa lại: Hiện nhiều người dùng chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân, thiếu kiến thức và chủ quan trước các mối đe dọa lừa đảo trực tuyến. Đáp án: D
Câu 44 [688294]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.

Tuy không phải là học sinh xuất sắc nên tôi vẫn giành được học bổng của học kì này.
A, nên
B, học kì
C, xuất sắc
D, giành được
- Từ “nên” sai ngữ pháp và logic. Về mặt ngữ pháp, quan hệ từ “tuy” không đi cùng quan hệ từ “nên”, về mặt ngữ nghĩa từ “nhưng” không tạo nên mối quan hệ tương phản đổi lập giữa hai vế câu.
- Sửa lại: Tuy không phải là học sinh xuất sắc nhưng tôi vẫn giành được học bổng của học kì này. Đáp án: A
Câu 45 [688295]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống, mang đến nhiều bài học quý giá cho chúng ta, giúp chúng ta bớt hoang mang, chông chênh hơn trong cuộc đời.
A, hoang mang
B, Từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống
C, bài học quý giá
D, trong cuộc đời
- Cụm từ “Từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Những điều nhỏ bé trong cuộc sống mang đến nhiều bài học quý giá cho chúng ta, giúp chúng ta bớt hoang mang, chông chênh hơn trong cuộc đời. Đáp án: B
Câu 46 [688296]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Các kế hoạch, đề án phát triển văn hóa, con người được xây dựng, triển khai đã tạo chuyển biến tích cực trong việc hướng đến xây dựng thế hệ công dân phát triển nhiều mặt.
A, chuyển biến tích cực
B, thế hệ công dân
C, phát triển nhiều mặt
D, đề án phát triển văn hóa
- Cụm từ “phát triển nhiều mặt” sai về ngữ nghĩa, không phù hợp với ngữ cảnh câu văn.
- Sửa lại: Các kế hoạch, đề án phát triển văn hóa, con người được xây dựng, triển khai đã tạo chuyển biến tích cực trong việc hướng đến xây dựng thế hệ công dân phát triển toàn diện. Đáp án: C
Câu 47 [688297]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Cộng đồng là nguồn lực giúp các nghệ sĩ đạt được thành công, nhưng cũng chính cộng đồng có thể rút lại sự ủng hộ nếu cảm thấy bị tổn thương hoặc thất vọng.
A, ủng hộ
B, tổn thương
C, nguồn lực
D, thành công
- Từ “nguồn lực” sai về ngữ nghĩa. “Nguồn lực” nghĩa là nguồn sức mạnh vật chất, tinh thần phải bỏ ra để tiến hành một hoạt động nào đó, không phù hợp với ngữ cảnh câu văn.
- Sửa lại: Cộng đồng là động lực giúp các nghệ sĩ đạt được thành công, nhưng cũng chính cộng đồng có thể rút lại sự ủng hộ nếu cảm thấy bị tổn thương hoặc thất vọng. Đáp án: C
Câu 48 [688298]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Bằng việc phục dựng lại những câu chuyện lịch sử, đã mang đến người xem những hiểu biết sâu sắc về sự hi sinh lớn lao của cha ông.
A, hiểu biết
B, sự hi sinh lớn lao
C, người xem
D, Bằng việc phục dựng lại những câu chuyện lịch sử
- Cụm từ “Bằng việc phục dựng lại những câu chuyện lịch sử” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ.
- Sửa lại: Việc phục dựng lại những câu chuyện lịch sử đã mang đến người xem những hiểu biết sâu sắc về sự hi sinh lớn lao của cha ông. Đáp án: D
Câu 49 [688299]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Nhà tù chỉ có thể giam hãm được tinh thần của các chiến sĩ chứ không tiêu diệt được ý chí căm hờn trong họ.
A, các chiến sĩ
B, Nhà tù
C, căm hờn
D, tinh thần
- Từ “tinh thần” sai về logic vì nhà tù có thể giam hãm về mặt thể xác, chứ khó có thể "giam hãm" tinh thần của một ai đó. - Sửa lại: Nhà tù chỉ có thể giam hãm được thể xác của các chiến sĩ chứ không tiêu diệt được ý chí căm hờn trong họ. Đáp án: D
Câu 50 [688300]: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp hoặc ngữ nghĩa, logic, phong cách.
Với kết quả này, đã đỗ vào trường đại học tôi mong muốn và cũng đúng như kì vọng của cha mẹ tôi.
A, Với kết quả này
B, kì vọng
C, mong muốn
D, trường đại học
- Cụm từ “Với kết quả này” sử dụng sai ngữ pháp. Trong câu, cụm từ này là trạng ngữ, làm câu văn mắc lỗi thiếu chủ ngữ. - Sửa lại: Với kết quả này, tôi đã đỗ vào trường đại học tôi mong muốn và cũng đúng như kì vọng của cha mẹ tôi. Đáp án: A