Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [589808]: Tóm lược nội dung từng phần của văn bản (theo số thứ tự) và nêu mối quan hệ giữa các phần.
Nội dung từng phần của văn bản (theo số thứ tự) và nêu mối quan hệ giữa các phần.
- Phần (1): Từ một vài định nghĩa về thơ, tác giả dẫn dắt tới quan niệm về thơ của chính mình.
- Phần (2), (3), (4), (5): Trình bày quan niệm về thơ trên các yếu tố cốt lõi:
+ Thơ là tiếng lòng của tâm hồn (phần 2)
+ Một số đặc trưng khác của thơ: hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực,... (phần 3)
+ Ngôn ngữ thơ (phần 4)
+ Vấn đề thơ tự do, thơ không vần (phần 5)
- Các phần (2), (3), (4), (5) đã chính là những yếu tố đặc trưng, cơ bản nhất của thơ.
Câu 2 [589809]: Ở phần (1) của văn bản, những quan niệm nào về thơ đã được tác giả nêu lên để nhận xét? Mục đích của việc nhận xét đó là gì?
- Ở phần (1), tác giả đã nêu lên một số quan niệm về thơ:
+ Thơ là những lời đẹp
+ Thơ là những đề tài “đẹp”
+ Thơ khác với các thể văn khác ở chỗ in sâu vào trí nhớ

- Đi liền với việc giới thiệu Nguyễn Đình Thi đã bác bỏ khía cạnh chưa đúng đắn, toàn diện của chính những quan niệm này. Từ đó, tác giả đặt vấn đề: Vì sao thơ có hiệu quả làm cho ta nhớ? Như vậy, mục đích của việc nhận xét một số quan niệm về thơ là khơi gợi, dẫn dắt để giới thiệu vấn đề nghị luận.
Câu 3 [589810]: Chỉ ra các luận điểm thể hiện quan niệm của tác giả về thơ, phân tích cách triển khai một luận điểm tiêu biểu.

Các luận điểm thể hiện quan niệm của Nguyễn Đình Thi về thơ:
- Thơ là biểu hiện tâm hồn con người (Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng?)
Khởi đầu một bài thơ, người viết phải có “rung động thơ”, sau đó mới “làm thơ”. Rung động thơ có được khi tâm hồn ra khỏi trạng thái bình thường; do có sự va chạm với thế giới bên ngoài, với thiên nhiên, với những người khác mà tâm hồn con người thức tỉnh, bật lên những tình ý mới mẻ. Còn làm thơ là thể hiện những rung động của tâm hồn bằng lời hoặc những dấu hiệu thay cho lời nói (tức là chữ). Những lời, những chữ ấy phải có sức mạnh truyền cảm tới người đọc thơ, khiến mọi sợi dây của tâm hồn rung lên.
- Một số yếu tố đặc trưng khác của thơ: hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực,...:
+ Hướng tới việc biểu hiện tâm hồn con người, hình ảnh của thơ dù là hình ảnh về sự vật, thì cũng không cốt ghi lại cái vẻ bề ngoài mà đã bao hàm một nhận thức, một thái độ tình cảm hoặc suy nghĩ.
+ Thơ gắn liền với sự suy nghĩ, thơ phải có tư tưởng, nhưng tư tưởng trong thơ cũng là tư tưởng - cảm xúc, thơ muốn lay động những chiều sâu của tâm hồn, đem cảm xúc mà đi thẳng vào sự suy nghĩ.
+ Cảm xúc, tình cảm là yếu tố quan trọng bậc nhất mà thơ hướng tới. Nguyễn Đình Thi viết: Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn.
+ Ngay cái thực trong thơ cũng là sự thành thực của cảm xúc, là biểu hiện một cách chân thật và sinh động những gì đang diễn ra trong tâm hồn, đó là hình ảnh thực nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy. 
Tóm lại, hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực của thơ đều nằm trong hệ quy chiếu của tâm hồn con người.
- Ngôn ngữ thơ có những nét đặc biệt so với ngôn ngữ các thể loại văn học khác. Nếu ngôn ngữ trong các tác phẩm truyện, kí chủ yếu là ngôn ngữ tự sự, kể chuyện, ngôn ngữ trong các tác phẩm kịch chủ yếu là ngôn ngữ đối thoại, thì ngôn ngữ thơ ca có tác dụng gợi cảm đặc biệt nhờ yếu tố nhịp điệu, như Nguyễn Đình Thi khẳng định: Cái kì diệu ấy của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó trong nhịp điệu [...] một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn.
- Vấn đề thơ tự do, thơ không vần: Xuất phát từ sự đề cao nhịp điệu bên trong, nhịp điệu của tâm hồn, Nguyễn Đình Thi quan niệm không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần, mà chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ. Thời đại mới, tư tưởng, tình cảm mới, nội dung mới đòi hỏi một hình thức mới, điều quan trọng là dùng thơ tự do, thơ không vần, hay dùng bất cứ hình thức nào, miễn là thơ diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay.

Câu 4 [589811]: Theo tác giả, điều gì đóng vai trò quan trọng trong sáng tạo thơ? Tác giả đã dùng những thao tác nghị luận nào để làm sáng tỏ điều đó?
Hình ảnh - yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sáng tạo thơ
Những hình ảnh còn tươi nguyên, mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng. Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhoà của thói quen, không bị rập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất. Nhưng những hình ảnh mới lạ ấy đều ở trong đời thực, chúng ta đều thấy. Hình ảnh của thơ vừa làm ta ngạc nhiên, vừa đã quen với chúng ta tự bao giờ. Câu thơ đột ngột làm cho ta nhận thấy những cái gần gũi nhất với chúng ta. Trước kia, ta vẫn gặp mà không biết nhìn.
Trong đoạn văn trên, tác giả đã kết hợp nhiều thao tác nghị luận:
+ Phân tích: chỉ ra nguyên nhân của sự tươi nguyên, mới mẻ, lạ lùng của hình ảnh thơ (Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên.)
+ Bình luận: đưa ra quan điểm, ý kiến về hình ảnh thơ (Những hình ảnh còn tươi nguyên, mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng.; Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhoà của thói quen, không bịrập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước.;...)
+ So sánh, liên tưởng: Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất.
Câu 5 [589812]: Tác giả cho rằng: chúng ta không nên lo thơ đi vào hình thức này hay hình thức khác... Dùng bất cứ hình thức nào, miễn là thơ diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay. Anh/Chị có tán thành quan điểm đó không? Vì sao?
Nguyễn Đình Thi cho rằng: chúng ta không nên lo thơ đi vào hình thức này hay hình thức khác... Dùng bất cứ hình thức nào, miễn là thơ diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay.
Theo tôi, quan điểm trên vừa có yếu tố xác đáng vừa có yếu tố có phần dễ dãi. Trong quan điểm này, tác giả đã thể hiện nhận thức đúng đắn về đặc trưng cốt lõi của thơ ca (diễn tả được đúng tâm hồn con người). Song nếu người làm thơ lại lựa chọn một hình thức thơ biểu đạt không phù hợp hoặc quá bí hiểm, tắc tị thì mối giao cảm giữa nhà thơ - bạn đọc khó có thể đạt đến mức độ cao nhất.
Câu 6 [589813]: Theo anh/chị, nội dung nghị luận của văn bản còn có ý nghĩa đối với thực tế sáng tác thơ hiện nay nữa không? Vì sao?
Những ý kiến bàn về thơ của Nguyễn Đình Thi đã nêu lên những đặc trưng cốt lõi của thơ ca. Bởi vậy, cho đến nay, Mấy ý nghĩ về thơ vẫn còn nguyên giá trị đối với thực tế sáng tác thơ.
Câu 7 [589814]: Từ văn bản này, bạn rút ra được điều gì bổ ích cho bản thân trong việc hiểu bản chất của thơ và việc đọc thơ?
Văn bản Mấy ý nghĩ về thơ giúp người đọc thơ hiểu được rõ nét những đặc trưng nổi bật của thơ ca, từ đó có thể xác lập được cách đọc tốt nhất cho chính mình.
Văn bản cũng có những chỉ dẫn trực tiếp thú vị cho người đọc thơ, chẳng hạn: Ta nói truyền sang hình như người đọc chỉ đứng yên mà nhận. Nhưng kì thực, cái trạng thái tâm lí truyền sang ấy là người đọc tự tạo cho mình, khi nhìn những chữ, khi nghe những lời, khi mọi sợi dây của tâm hồn rung lên vì chạm thấy những hình ảnh, những ý nghĩ, những mong muốn, những tình cảm mà lời và chữ của bài thơ kéo theo đằng sau như vùng sáng xung quanh ngọn lửa.
Câu 8 [589815]: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cách hiểu của anh/chị về ý kiến: Bài thơ là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc.
HS tự hoàn thiện đoạn văn, bảo đảm dung lượng (150 chữ); hình thức tuỳ chọn (diễn dịch/ quy nạp/ phối hợp); chủ đề của đoạn văn (tính truyền cảm của thơ ca). Có thể theo hướng:
- Đầu mối của thơ ca là cảm xúc. Nhà thơ viết thơ trước hết để thoả mãn nhu cầu bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình.
- Nhưng đó không thể là thứ cảm xúc trào bật ra khỏi trái tim người nghệ sĩ và tắc nghẹn trên trang giấy. Cảm xúc của nhà thơ sẽ qua con chữ mà lan truyền tới người đọc, để người đọc cộng cảm với thi nhân. Lúc đó, thơ ca trở thành cầu nối kết giao các tâm hồn đồng điệu với nhau.
(Lưu ý: Bổ sung dẫn chứng để hoàn thiện đoạn văn.)