Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [589816]: Nhan đề Văn học và tác dụng chiều sâu trong việc xây dựng nhân cách văn hoá con người cho anh/chị biết được mục đích và nội dung chính của văn bản là gì?
Nhan đề Văn học và tác dụng chiều sâu trong việc xây dựng nhân cách văn hóa con người thông tin cho người đọc về:
- Mục đích: Bàn về tác dụng chiều sâu của văn học trong xây dựng nhân cách văn hóa.
- Nội dung chính của văn bản: Tác dụng chiều sâu của văn học trong việc xây dựng nhân cách văn hóa con người.
Câu 2 [589817]: Hãy nêu nội dung chính của từng phần đã được đánh số trong văn bản trên.
Nội dung chính của từng phần
- Phần (1): Vị thế của văn học trong đời sống văn hóa hiện đại
- Phần (2): Phân tích tác dụng to lớn của văn học
- Phần (3): Văn học nghệ thuật với khả năng giáo dục một số năng lực
Câu 3 [589818]: Xác định vấn đề trọng tâm (luận đề) của văn bản. Tác giả Hoàng Ngọc Hiến đã phân tích ý nghĩa của vấn đề ấy trong văn bản như thế nào?
Luận đề và cách thức phân tích ý nghĩa của vấn đề trong văn bản
- Luận đề của văn bản: Tác dụng to lớn, sâu sắc của văn học đối với con người
- Cách phân tích ý nghĩa của vấn đề trong văn bản: Kết hợp các thao tác nghị luận một cách linh hoạt, nhuần nhuyễn. Chẳng hạn:
+ Phân tích: chỉ rõ các tác dụng của văn học đối với con người (giúp cho con người hiểu được chính mình; dẫn dắt, định hướng, chuẩn bị cho cá nhân làm những cuộc hành trình tinh thần của nó; quản lí sự cải hóa, sự hình thành nhân cách bên trong con người).
+ Bình luận: đưa ra ý kiến bàn về vấn đề nghị luận (Văn học có tác dụng to lớn và sâu sắc giúp cho con người hiểu được chính mình.).
+ So sánh: so sánh văn học với khoa học (Khoa học khai hoá nhận thức về tự nhiên, về xã hội và con người nói chung. Nhưng trong đời sống tâm hồn và tâm lí của con người ngày càng trở nên phức tạp có những mảng, những lớp chiều sâu, những uẩn khúc chỉ có văn học và nghệ thuật mới soi thấu chuẩn bị cho sự tự ý thức. Trái tim của con người có những lí riêng mà lí trí của khoa học khó nắm bắt.).
+ Chứng minh: đưa bằng chứng kết hợp lí lẽ (Có những tác phẩm đọc xong ta thấy bàng hoàng: Lần đầu tiên ta nhận ra được con người thật của mình. “Người cao thượng không phải là không bao giờ đê tiện, người cao thượng biết rằng mình có những lúc đê tiện.” (Bi-ê-lin-xki)).
Câu 4 [589819]: Chỉ ra và phân tích một số biện pháp làm tăng tính khẳng định và phủ định vấn đề trong văn bản.
Biện pháp làm tăng tính khẳng định và phủ định vấn đề trong văn bản: Sử dụng từ và câu khẳng định, phủ định để làm rõ vai trò của văn học, chẳng hạn:
Con người không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân mình. Vả chăng hiểu được bản thân mình không phải là dễ. Văn học có tác dụng to lớn và sâu sắc giúp cho con người hiểu được chính mình. Khoa học khai hóa nhận thức về tự nhiên, về xã hội và con người nói chung. Nhưng trong đờisống tâm hồn và tâm lí của con người ngày càng trở nên phức tạp có những mảng, những lớp chiều sâu, những uẩn khúc chỉ có văn học và nghệ thuật mới soi thấu chuẩn bị cho sự tự ý thức. Trái tim của con người có những lí riêng mà lí trí của khoa học khó nắm bắt.
Câu 5 [589820]: Anh/Chị có nhận xét gì về cách lập luận và ngôn ngữ biểu cảm trong văn bản?
Cách lập luận và ngôn ngữ biểu cảm trong văn bản
- Lập luận của tác giả rất chặt chẽ, thuyết phục, được triển khai qua hệ thống luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng xác đáng, phong phú và qua việc vận dụng kết hợp linh hoạt các thao tác nghị luận.
- Ngôn ngữ biểu cảm: được biểu hiện qua các từ ngữ biểu đạt cảm xúc hoặc các kết từ.
Ví dụ:
Cách đây không lâu, tôi xem trên truyền hình bộ phim “Tây Sương kí” lúc xem thấy vui vui, có những đoạn lí thú nhưng xem xong hầu như không nhớ gì, đến nay thì quên sạch. Nhưng câu Kiều: “Mái tây để lạnh hương nguyền/ Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng” tôi học từ thời trung học, đến nay qua nửa thế kỉ vẫn nhớ, vẫn ngân nga, xao xuyến, đậm đà ý vị, đọ với bộ phim truyền hình, cán cân nghiêng hẳn về câu thơ này.
Ngôn ngữ biểu cảm khiến văn bản nghị luận không khô khan, trừu tượng mà sinh động, giàu sắc thái cảm xúc, dễ dàng khơi gợi trong người đọc sự đồng điệu.
Câu 6 [589821]: Viết một đoạn văn (khoảng 12 - 15 dòng) phát triển ý: Văn học giúp em cảm nhận được nỗi đau của những kiếp người.
HS tự hoàn thiện đoạn văn, bảo đảm dung lượng (12 - 15 dòng); hình thức tuỳ chọn (diễn dịch/ quy nạp/ phối hợp); chủ đề của đoạn văn (văn học giúp em cảm nhận nỗi đau của kiếp người) Có thể theo hướng:
- Văn học là ảnh chiếu của hiện thực đời sống, phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Một trong số đó là nỗi đau của kiếp người.
- Mỗi chúng ta chỉ sống có một cuộc đời, đó là một trải nghiệm mang tính đơn lẻ. Với văn chương, chúng ta sẽ có thêm nhiều trải nghiệm khác nữa, sẽ được chứng kiến, thấu hiểu, đồng điệu,... với muôn kiếp nhân sinh, để từ đó ta biết yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn với mọi người.
(Lưu ý: Bổ sung dẫn chứng để hoàn thiện đoạn văn.)