Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [583088]: Tóm tắt nội dung câu chuyện được kể và chỉ ra đặc điểm về cách xây dựng cốt truyện trong truyện.
- Tóm tắt nội dung câu chuyện được kể trong Hai đứa trẻ: Truyện bắt đầu bằng không gian của một chiều muộn với sự xuất hiện lần lượt của các cư dân (chị em Liên, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, bác phở Siêu,...). Chừng ấy người dân nơi phố huyện dọn hàng chờ một chuyến tàu từ Hà Nội đi qua không chỉ để bán được thêm hàng mà chỉ để mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ.
Đêm buông xuống phố huyện tịch mịch và đầy bóng tối. An buồn ngủ ríu cả mắt nhưng trước khi ngủ còn dặn với chị Liên gọi dậy để trông đoàn tàu đi qua.
Tàu đến, Liên đánh thức em dậy. Hai chị em Liên và An đăm đăm dõi theo chiếc tàu lướt nhanh qua phố huyện cho đến khi chiếc tàu khuất khỏi rặng tre.
- Hai đứa trẻ cũng như nhiều truyện khác của Thạch Lam (Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa,...) là những truyện không có cốt truyện. Những câu chuyện này dường như chỉ tập trung khai thác những cảm xúc, cảm nghĩ thật mong manh, mơ hồ trong tâm hồn nhân vật. Đây cũng chính là đặc điểm nổi bật trong cách xây dựng cốt truyện của nhà văn này.
Câu 2 [583089]: Bức tranh phố huyện đã được tác giả miêu tả theo trình tự nào và có đặc điểm gì? Làm rõ ý nghĩa của việc miêu tả bức tranh ấy trong văn bản.
a.
* Bức tranh phố huyện đã được tác giả miêu tả theo trình tự thời gian (từ chiều tàn đến đêm xuống và về khuya - khi đoàn tàu đi qua phố huyện) và được tô đậm bởi sự đối lập giữa ánh sáng với bóng tối, âm thanh và sự tĩnh lặng, giữa không gian phố huyện và cái nghèo xơ xác:
** Trước khi tàu đến
- Sự đối lập giữa âm thanh - sự tĩnh lặng: Một loạt âm thanh được gọi vào phố huyện nhưng không âm thanh nào đủ sôi động để xua đi sự tĩnh lặng, buồn bã:
+ Tiếng trống thu không báo hiệu trời sắp tối, gợi buồn, gợi nhịp sống thưa thớt, rời rạc, tẻ ngắt (Từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều)
+ Tiếng ếch nhái văng vẳng kêu ran ngoài đồng ruộng. Âm thanh có vẻ rộn ràng, xôn xao nhưng lại từ xa vọng lại, gợi sự heo hút, vắng lặng.
+ Tiếng muỗi vo ve, âm thanh gần, gợi không gian sống tù đọng, ẩm thấp, tăm tối.
+ Tiếng chõng nan cót két gợi sự tàn tạ.
+ Tiếng đòn gánh kĩu kịt từ gánh phở của bác Siêu gợi đời sống vất vả, cực nhọc.
+ Tiếng đàn bầu bật trong yên lặng của vợ chồng bác xẩm gợi đời sống đầy tủi cực.
+ ...
⟶ Đây là những âm thanh cố hữu, lưu niên, thuộc về phố huyện và góp phần khơi gợi hình dung về một phố huyện tịch mịch, tĩnh lặng.
- Sự đối lập giữa ánh sáng - bóng tối: Cùng với việc cố gắng gọi về phố huyện thật nhiều âm thanh, Thạch Lam cũng nỗ lực thắp lên thật nhiều ánh sáng cho phố huyện:
+ Dưới mặt đất:
• Bầu trời (phía tây) được so sánh đỏ rực như lửa cháy gợi hình ảnh ráng chiều. Khối sáng này chỉ bừng lên phút chốc rồi tắt lụi nhanh chóng. Đây là thứ ánh sáng dọn đường cho bóng tối.
• Mây ánh hồng như những hòn than sắp tàn. Chi tiết đã cụ thể hoá sự lụi tàn nhanh chóng của ráng chiều.
⟶ Từ đỏ rực đến ánh hồng, từ lửa cháy đến những hòn than sắp tàn sự thuyên chuyển sắc độ của ánh sáng; qua đó, tác tác giả đã giúp người đọc hình dung rõ nét những bước đi thật nhanh, thật dài, sự xâm lấn của bóng tối lên phố huyện.
• Dãy tre làng đen lại, như vậy, so với sắc độ ánh sáng trước đó, sắc độ ánh sáng đã hoàn toàn thay đổi.
• Rất nhiều ngọn đèn đã được thắp lên: đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì nhà ông Cửu, đèn dây trong hiệu khách.
⟶ Nhiều đèn nhưng không cái nào toả ánh sáng thực rạng rỡ mà chỉ leo lét, sáng xanh và đó là thứ ánh sáng giam hãm, tù ngục (đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách) ⟶ thứ ánh sáng yếu ớt của cuộc sống mòn mỏi, nghèo khó.
• Ánh sáng từ ngọn đèn của chị Tí (bảy lần xuất hiện trong câu chuyện: ngọn đèn hoa kì, quầng sáng thân mật, ngọn đèn lay động, ngọn đèn con, tất cả phố xá trong huyện bây giờ đều thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí, cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí, chiếc đèn con (…) chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ), chấm lửa nhỏ ở bếp lửa bác phở Siêu,... ⟶ thứ ánh sáng lay lắt, leo lét.
Vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây.
• ...
+ Trên bầu trời: vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh.
+ Ánh sáng từ quá khứ qua kí ức của Liên: Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực.
+ ...
⟶ Tất cả những nguồn sáng đó chỉ càng khắc hoạ không gian sống tối tăm của phố huyện.
⟶ Bút pháp tương phản lấy động tả tĩnh lấy sáng tả tối đã khắc hoạ một phố huyện tịch mịch, yên ắng.
- Cảnh chợ tàn
+ Thời điểm: Miêu tả chợ huyện nhưng tác giả không chọn thời điểm chợ đông mà lại chọn thời điểm chợ tàn. Bởi thế nên chợ họp ở vị trí trung tâm của huyện, họp giữa phố nhưng lại gây ấn tượng về sự nghèo nàn, tiêu điều, xơ xác. Chợ tàn nên chỉ còn lại rác rưởi. Và chợ nghèo nên rác rưởi chỉ toàn là vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía, những thứ bỏ lại của vài ba món quà quê rẻ tiền. Ấy vậy mà giữa đám rác rưởi bỏ lại đó, đám trẻ con nhà nghèo vẫn có thể lượm lặt các thanh nứa, thanh tre mà những người bán hàng bỏ lại để mang về. Chợ huyện mà rõ như chợ quê.
+ Cảnh chợ nghèo không chỉ được khắc họa bằng hình ảnh mà còn bằng mùi vị. Trong cảm nhận của Liên, một cô bé nhạy cảm, phiên chợ tàn còn để lại một mùi âm ẩm lẫn với mùi cát bụi quen thuộc. Cái mùi âm ẩm ấy là một thứ mùi rất riêng, rất đặc trưng, gợi cái tù đọng, ẩm thấp, tăm tối của không gian phố huyện.
⟶ Cảnh chợ tàn góp phần phản ánh đời sống nghèo khổ của phố huyện.
- Những kiếp người lay lắt:
+ Mẹ con chị Tí:
• Ban ngày mò cua, bắt tép, tối đến dọn hàng chè tươi.
• Dọn hàng khá sớm - từ lúc trời nhá nhem tối để chờ mấy người khách quen (toàn là những người lao động nghèo, ít tiền: phu gạo, phu xe, mấy chú lính lệ, người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm).
Chả kiếm được bao nhiêu, nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng ⟶ chăm chỉ, cần mẫn góp nhặt vì cuộc sống của mẹ con chị còn khốn khó.
+ Bà cụ Thi: một người hơi điên nhưng hiền lành. Hình ảnh bà cụ đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng gợi kiếp người tàn tạ, khốn khổ.
+ Bác phở Siêu bán phở - một thức quà xa xỉ với những người dân phố huyện. Tiếng đòn gánh kĩu kịt gợi cuộc sống vất vả.
+ Vợ chồng bác xẩm:
• Góp chuyện bằng tiếng đàn bầu bật trong đêm ⟶ âm thanh não nề, gợi sự thương cảm.
• Hình ảnh thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường khắc hoạ sự bần cùng, đói rách đáng thương. Dường như manh chiếu là giới hạn nhỏ hẹp, mong manh duy nhất giữ họ lại với cuộc đời.
+ Gia đình Liên: So với mẹ con chị Tí, vợ chồng bác xẩm, có lẽ gia đình Liên và An có phần khấm khá hơn. Hai chị em được mẹ giao cho trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Nhưng công việc buôn bán cũng không mấy phát đạt nếu không muốn nói là trì trệ.
⟶ Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ. Mỗi người một cảnh nhưng họ đều chung sự buồn chán, mòn mỏi...
** Khi tàu đến
Đoàn tàu đến mang theo một thế giới rực rỡ ánh sáng, rộn rã thanh âm, khác hẳn với phố huyện nghèo tăm tối, tịch mịch:
- Ánh sáng: ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi; làn khói bừng sáng trắng, các toa đèn sáng trưng, những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh ⟶ ánh sáng rực rỡ, lung linh, sáng chói, thỏa mãn khát vọng, mong đợi của hai chị em.
- Âm thanh: tiếng còi xe lửa kéo dài ra theo gió, tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng hành khách ồn ào, tàu rầm rộ đi tới ⟶ những thanh âm náo nhiệt, ồn ào, làm náo động phố huyện tịch mịch, yên tĩnh.
* Bức tranh phố huyện có sự tương phản ở hai thời điểm trước khi tàu đến và khi tàu đến. Sự tương phản ấy đã:
- Phản ánh đời sống nghèo khó, mòn mỏi, quẩn quanh, bế tắc,... của một phố huyện nghèo.
- Bộc lộ sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương của tác giả dành cho những kiếp người lay lắt.
Câu 3 [583090]: Xác định ngôi kể, điểm nhìn trong văn bản và cho biết tác dụng của ngôi kể, điểm nhìn ấy trong việc khắc hoạ nhân vật, thể hiện chủ đề, cảm hứng của tác phẩm.
Xác định ngôi kể, điểm nhìn trong văn bản và cho biết tác dụng của ngôi kể, điểm nhìn ấy trong việc khắc hoạ nhân vật, thể hiện chủ đề, cảm hứng của tác phẩm.
- Ngôi kể thứ ba, người kể chuyện khách quan kể lại câu chuyện; có thể chuyển việc, chuyển cảnh linh hoạt.
- Điểm nhìn có sự đan xen giữa:
+ người kể chuyện (Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.)
+ và nhân vật (Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó; Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này.).
Sự đan xen này tạo nên góc nhìn đa dạng cho câu chuyện, giúp người đọc có thể vừa cảm nhận bức tranh phố huyện vừa đồng điệu, thấu hiểu nội tâm nhân vật.
Câu 4 [583091]: Nêu và phân tích ý nghĩa:
a. Một số câu văn, đoạn văn sử dụng kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm.
b. Một số hình ảnh, chi tiết xuất hiện nhiều lần trong văn bản.
Nêu và phân tích ý nghĩa:
- Một số câu văn, đoạn văn sử dụng kết hợp yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, chẳng hạn:
+ Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại, Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó.
⟶ Vừa tái hiện hình ảnh đáng thương, tội nghiệp của những đứa trẻ con nhà nghèo vừa bộc lộ nét tính cách nhạy cảm, giàu tình cảm, nhân hậu của Liên.
+ Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây. An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi nhìn về mặt đất, về quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí.
+ ...
⟶ Mang lại chất thơ cho câu chuyện; tô đậm sự ngây thơ, hồn nhiên ở hai đứa trẻ - nhân vật chính của truyện.
- Một số hình ảnh, chi tiết xuất hiện nhiều lần trong văn bản, chẳng hạn
+ Tiếng trống: Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều, Trống cầm canh ở huyện đánh tung lên một tiếng ngắn, khô khan, không vang động ra xa, rồi chìm ngay vào bóng tối, chỉ còn đêm khuya, tiếng trống cầm canh và tiếng chó cắn gợi âm thanh buồn tẻ, tô đậm sự tĩnh lặng của phố huyện.
+ Chi tiết ngọn đèn chị Tí bảy lần xuất hiện trong câu chuyện (ngọn đèn hoa kì, quầng sáng thân mật, ngọn đèn lay động, ngọn đèn con, tất cả phố xá trong huyện bây giờ đều thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí, cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí, chiếc đèn con (…) chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ) gieo ấn tượng về thứ bóng tối nhẫn nại uất ức đời thôn quê (Thế Lữ).
+ Đoàn tàu: Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện, Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé, Tiếng còi đã rít lên và tàu rầm rộ đi tới,... gợi hình ảnh về một thế giới đáng sống, đáng mơ ước của cứ dân phố huyện.
+ ...
Câu 5 [583092]: Theo anh/chị, truyện Hai đứa trẻ của Thạch Lam được viết theo phong cách sáng tác nào? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy?
- Truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam) được viết theo phong cách lãng mạn.
- Căn cứ xác định:
+ Đề tài và cảm hứng: Thạch Lam vừa miêu tả khách quan hình ảnh cuộc đời của những người dân phố huyện lầm than, vừa thể hiện hình ảnh cuộc đời của những người dân phố huyện với cái nhìn và cách cảm nhận mang tính chủ quan, thể hiện thế giới nội tâm và những cảm xúc trong trẻo, trắc ẩn của Liên.
+ Cách tổ chức hình ảnh, chi tiết, nhân vật: có những hình ảnh rực rỡ, bay bổng đại diện cho ước mơ, khát vọng như đoàn tàu đêm; có cả những hình ảnh chân thực, điển hình cho những cảnh đời có thực như hàng nước chị Tí, bà cụ Thi hơi điên, những đứa trẻ nghèo,…
+ Bút pháp đối lập tương phản: ánh sáng - bóng tối, âm thanh - sự tĩnh lặng, cuộc sống nghèo khổ, tăm tối ở phố huyện - hình ảnh đoàn tàu.
+ Ngôn ngữ đậm chất thơ: Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.; Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây.
+ ...
Câu 6 [583093]: Một tác phẩm văn học có giá trị thẩm mĩ và nhân văn thường đánh thức ở người đọc ít nhất một điều gì đó sâu xa, tốt đẹp trong tư tưởng, tình cảm. Đối với anh/chị, Hai đứa trẻ có khả năng đánh thức như vậy không? Vì sao?
Hai đứa trẻ thực sự là tác phẩm văn học có giá trị thẩm mĩ và nhân văn, đánh thức ở người đọc nhiều điều sâu xa, tốt đẹp trong tư tưởng, tình cảm, đúng như quan nhiệm sáng tác của Thạch Lam (Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.).
Học sinh có thể chia sẻ sự đồng tình với ý kiến này theo nhiều cách. Chẳng hạn: Với biểu tượng đoàn tàu đi qua phố huyện, Thạch Lam đã mang đến những người dân phố huyện một thế giới thật đáng sống với sự giàu sang và rực rỡ của ánh sáng. Hình ảnh đoàn tàu đối lập hoàn toàn với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện. Với biểu tượng này, nhà văn muốn lay tỉnh những người đang sống quẩn quanh, lam lũ và hướng họ đến một tương lai tốt đẹp hơn . Đây chính là biểu hiện của giá trị nhân bản đáng quý trong tác phẩm.
Câu 7 [583094]: Tìm hiểu thêm về các tác giả sáng tác theo phong cách lãng mạn, phong cách hiện thực trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 và hoàn tất bảng sau bằng cách đánh dấu xác định phong cách sáng tác của tác phẩm, tác giả trong văn bản và lí giải:
Screenshot_3.png
Tìm hiểu thêm về các tác giả sáng tác theo phong cách lãng mạn, phong cách hiện thực trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 và hoàn tất bảng sau bằng cách đánh dấu xác định phong cách sáng tác của tác phẩm, tác giả trong văn bản và lí giải:

Căn cứ vào đặc điểm của từng phong cách (lãng mạn hoặc hiện thực), chúng ta có thể nhận diện phong cách sáng tác của các tác phẩm, của mỗi tác giả.