Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [0]: Hãy tóm tắt văn bản Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (khoảng 7 - 10 dòng). Theo anh/chị, văn bản có thể chia làm mấy phần?
- Tóm tắt: Ngô Tử Văn là người tính tình khảng khái, cương trực, không chịu được gian tà. Trong vùng có viên bách hộ họ Thôi hưng yêu tác quái, nhũng nhiễu dân lành, Tử Văn rất tức giận. Chàng tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi đốt đền. Một người cao lớn, đầu đội mũ trụ, xưng là cư sĩ, đến đòi chàng phải trả lại ngôi đền như cũ và doạ sẽ kiện chàng xuống tận Minh Ti. Chiều tối, thổ công - người bị viên bách hộ họ Thôi cướp đền - đến gặp Tử Văn, kể rõ sự tình lâu nay và khuyên Tử Văn nên vạch mặt hắn dưới Minh Ti. Đến đêm, Tử Văn bị hai tên quỷ sứ bắt đi gặp Diêm Vương. Xuống Phong Đô, Tử Văn đã thấy viên bách hộ ở đó. Diêm Vương mắng Tử Văn làm điều càn rỡ song Tử Văn nhất định không chịu nhận tội, đấu lí với viên bách hộ. Sau cùng, Tử Văn kể hết đầu đuôi câu chuyện, y như thổ công đã nói; Diêm Vương cho người đi xét lại, thấy mọi sự đúng như lời Tử Văn. Diêm Vương sai bỏ viên bách hộ vào ngục Cửu U và cho Tử Văn trở lại dương gian. Thổ công tiến cử Tử Văn làm phán sự đền Tản Viên, Tử Văn vui vẻ đồng ý.
- Bố cục:
+ Phần một (từ đầu đến vung tay không cần gì cả): Ngô Tử Văn đốt đền.
+ Phần hai (tiếp đến khó lòng thoát nạn): Viên bách hộ đòi Tử Văn xây lại đền và doạ kiện xuống Minh Ti; thổ công tới gặp Tử Văn kể rõ sự tình, khuyên chàng cứng cỏi dưới Phong Đô.
+ Phần ba (tiếp đến hài cốt tan tành ra như cám vậy): Tử Văn bị bắt xuống Phong Đô; chàng cương trực nói lẽ phải, Diêm Vương cho người xác minh sự thật và phân xử đúng sai công tâm.
+ Phần còn lại: Tử Văn được thổ công tiến cử chức phán sự đền Tản Viên; Tử Văn vui vẻ nhậm chức.
Câu 2 [0]: Tìm trong văn bản những chi tiết liên quan đến lai lịch của Ngô Tử Văn. Theo anh/chị, tại sao tác giả lại lựa chọn những chi tiết đó để giới thiệu về nhân vật?
Các chi tiết liên quan đến lai lịch của Ngô Tử Văn gồm tên tuổi (tên là Soạn), quê quán (người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang).
Việc lựa chọn các chi tiết đó để giới thiệu nhân vật liên quan đến phương pháp khắc hoạ nhân vật truyền thống trong văn học cổ. Cách giới thiệu này khiến nhân vật hiện lên rõ nét, tạo ấn tượng về độ tin cậy cho câu chuyện được kể.
Câu 3 [0]: Trong truyện, Tử Văn được miêu tả trong tương quan với những nhân vật nào? Qua các tương quan này, anh/chị thấy Tử Văn hiện lên với những phẩm chất gì?
Trong truyện, Tử Văn được miêu tả trong tương quan với các nhân vật: viên Bách hộ họ Thôi, Thổ công, Diêm Vương,...
Trong tương quan với viên Bách hộ họ Thôi, Tử Văn hiện lên là một kẻ sĩ cương trực, thẳng thắn, thấy sự gian tà thì không chịu được.
Với Thổ công, Tử Văn bộc lộ rất rõ tinh thần trượng nghĩa, sẵn sàng xả thân vì lẽ phải, sẵn sàng bênh vực kẻ yếu.
Trước Diêm Vương, nét tính cách Tử Văn bộc lộ là sự ngay thẳng, thực thà, “uy vũ bất năng khuất” (quyền lực không khuất phục được).
Câu 4 [0]: Thống kê những yếu tố kì ảo trong truyện. Vì sao nói: Nguyễn Dữ đã tiếp thu sáng tạo những yếu tố kì ảo trong một số truyện cổ dân gian?
- Yếu tố kì ảo trong truyện:
+ Sự xuất hiện của các nhân vật như hồn ma tên tướng giặc phương Bắc, quỷ sứ, quỷ Dạ Xoa, Thổ công, Diêm Vương, các phán quan. Tất cả các nhân vật này đều thuộc về cõi âm:
• Hồn ma tên tướng giặc với bản chất gian trá, lừa lọc đã gieo bao tai hoạ cho người dân lương thiện. Đây là nhân vật thần kì mang bản chất xấu xa.
• Thổ công có vai trò là người chỉ đường, dẫn lối cho Tử Văn hiểu rõ chân tướng sự việc; là người tiến cử Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên.
• Diêm Vương: Vai trò của nhân vật này được thể hiện ở việc xử án công minh, mang lại công bằng cho người chính trực đồng thời thể hiện mơ ước về vị quan thanh liêm, công minh, chính trực trong xã hội đầy rẫy nhiễu nhương, tệ nạn đương thời.
• Các nhân vật quỷ, quỷ Dạ Xoa góp phần mang đến không khí rùng rợn, kinh hãi đặc trưng của chốn âm ti, địa phủ cho câu chuyện.
• Tử Văn gắn với sự việc chết đi (hai ngày) sống lại rồi lại chết và được nhập vào cõi tiên, lãnh chức phán sự đền Tản Viên. Những sự việc này được sắp đặt ở cuối như một kết thúc có hậu cho Tử Văn và câu chuyện, thể hiện triết lí “ở hiền gặp lành” của truyện.
+ Không gian kì ảo:
• Không gian giấc mơ (giấc mơ của Tử Văn): nối liền cõi trần và cõi âm, là nơi gặp gỡ của Tử Văn với hồn ma tướng giặc và với Thổ công. Cũng từ đây, Tử Văn tạm lìa cõi trần để bước vào cõi âm, tham gia vào vụ kiện.
• Không gian âm ti u ám, lạnh lẽo, rùng rợn nhưng không khiến Tử Văn sợ hãi. Âm ti còn có ngục Cửu U nơi đầy rẫy cực hình, đủ để trừng trị tội ác của những kẻ như tên tướng giặc họ Thôi.
- Trước Truyền kì mạn lục, yếu tố kì ảo đã xuất hiện với mật độ dày đặc trong nhiều truyện cổ dân gian (thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích). Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là tác phẩm văn học viết. Việc đưa vào tác phẩm nhiều yếu tố kì ảo thực chất là sự tiếp thu sáng tạo của nhà văn từ yếu tố kì ảo trong văn học dân gian.
Yếu tố kì ảo khiến truyện của Nguyễn Dữ trở nên li kì, hấp dẫn và trở thành một trong những phương tiện đắc hiệu giúp tác giả phản ánh hiện thực và thể hiện ước mơ về lẽ công bằng xã hội.
Câu 5 [0]: Nêu nhận xét của anh/chị về chức năng của người kể chuyện trong phần chính văn và người bình luận ở cuối truyện.
Chức năng của người kể chuyện trong phần chính văn và người bình luận ở cuối truyện:
- Người kể chuyện trong phần chính văn thực thi nhiệm vụ tự sự, khách quan kể lại câu chuyện như nó vốn có.
- Người bình luận ở cuối truyện thực thi nhiệm vụ bày tỏ quan điểm cá nhân về câu chuyện được kể.
Câu 6 [0]: Hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về lời bình ở cuối truyện: Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời.
Về lời bình ở cuối truyện: Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời
- Lời bình cuối truyện thể hiện lòng cảm phục và thái độ ngợi ca của Nguyễn Dữ đối với những kẻ sĩ như Ngô Tử văn. Theo tác giả, con người sống trên đời, nên cứng cỏi, kiên gan, dũng cảm chống trả cái xấu, cái ác, chớ lo cứng quá thì gãy. Ngô Tử Văn, một kẻ sĩ nước Việt, đã luôn giữ cho mình sự cứng cỏi để vượt qua thế lực phi nghĩa. Từ hình tượng nhân vật này, Nguyễn Dữ tỏ rõ thái độ đề cao sự cứng cỏi trong nhân cách kẻ sĩ.
- Cứng cỏi luôn đáng trân quý, song thực tế, sự cứng cỏi đôi khi rất cần đi liền với sự khéo léo, linh hoạt trong ứng xử. Một người biết cương biết nhu, biết cứng cỏi biết mềm dẻo trong giao tiếp, ứng xử chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành công và tránh được nhiều tai ách.
Bài tập viết
Câu 7 [0]: Bài tập 1. Về hình tượng Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ), có ý kiến cho rằng: Ngô Tử Văn là kẻ sĩ ngông ngạo, tự kiêu, hiếu thắng, sở dĩ thắng kiện viên Bách hộ họ Thôi là do được Thổ công mách nước. Ý kiến khác lại khẳng định: Ngô Tử Văn là một trí thức nước Việt dũng cảm, kiên cường, dám chống lại các thế lực gian tà để đòi công bằng, chính nghĩa.
Trên cơ sở phân tích hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn trong tác phẩm, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về các ý kiến trên.
Bài viết cần bảo đảm các ý sau:
* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, các ý kiến
* Bàn luận các ý kiến

Hai ý kiến trong đề bài đều là những nhận định về nhân vật chính trong truyện, Ngô Tử Văn. Ý kiến thứ nhất có phần khắt khe khi đánh giá về nhân vật, ý kiến thứ hai ngược lại, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp trong nhân vật.
Học sinh có thể bày tỏ quan điểm riêng của mình về mỗi ý kiến, tuy nhiên phải có những kiến giải thuyết phục. Dưới đây là một số ý tham khảo:
- Phân tích hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn qua các sự việc, sự kiện tiêu biểu:
+ Sự việc đốt đền của Ngô Tử Văn: Học sinh phân tích nguyên nhân, bản chất hành động, thái độ của Tử Văn sau khi đốt đền và khi bị hồn ma tướng giặc họ Thôi dọa nạt.
+ Ngô Tử Văn trong cuộc chiến đấu đòi lại chính nghĩa: câu chuyện về cuộc chiến đấu giữa Ngô Tử Văn với viên Bách hộ họ Thôi được thắt nút dần với những xung đột ngày càng căng thẳng, dẫn đến cao trào. Học sinh phân tích dẫn chứng, để thấy được trong cuộc chiến đấu chống lại thế lực phi nghĩa, Ngô Tử Văn đã đấu tranh đến cùng để diệt trừ hồn ma tướng giặc, làm sáng tỏ nỗi oan và phục hồi danh vị cho Thổ thần nước Việt. Chiến thắng của Ngô Tử Văn - một kẻ sĩ nước Việt - trước hết thể hiện phẩm chất cương trực, thẳng thắn, dũng cảm, kiên cường ở nhân vật, sau đó là sự khẳng định chân lí chính sẽ thắng và thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lí và chính nghĩa.
+ Sự việc Ngô Tử Văn nhận chức Phán sự (chức quan xem xét về các vụ kiện tụng, giúp việc cho người xử án - chức quan thực hiện công lí) đền Tản Viên để thực hiện công lí.
⟶ Ngô Tử Văn là kẻ sĩ trung thực, ngay thẳng, giàu tinh thần dân tộc.
- Bàn luận các ý kiến:
+ Ý kiến thứ nhất: Khẳng định ý kiến chưa chính xác, không nhận định đúng về bản chất hình tượng nhân vật.
+ Ý kiến thứ hai: Khẳng định ý kiến chính xác, nêu đúng những phẩm chất cao đẹp trong Ngô Tử Văn được Nguyễn Dữ ngợi ca.
* Đánh giá

- Ngô Tử Văn là hình tượng nhân vật lí tưởng được Nguyễn Dữ xây dựng để niềm tin vào công lí, chính nghĩa của nhân dân ta.
- Hình tượng nhân vật được khắc họa thành công nhờ nghệ thuật kể chuyện đặc sắc và việc sử dụng nhiều yếu tố kì ảo nhưng vẫn mang những nét hiện thực.
Câu 8 [0]: Bài tập 2. Từ hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ), hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về cuộc chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác của con người trong xã hội.
Bài viết cần bảo đảm các ý sau:
* Giới thiệu vấn đề cần bàn luận
Cuộc chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác của con người trong xã hội.
* Hình tượng Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
- Cương trực, thẳng thắn: dám đốt đền trừ tà cho dân; dũng cảm, kiên cường trong cuộc đương đầu với hồn ma tướng giặc họ Thôi dưới Minh ti; vui vẻ nhận chức phán sự đền Tản Viên.
⟶ Ngô Tử Văn đã đấu tranh đến cùng để diệt trừ cái ác, cái xấu. Chiến thắng của Ngô Tử Văn là sự khẳng định chân lí chính sẽ thắng tà, thể hiện quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lí và chính nghĩa.
- Thông điệp của Nguyễn Dữ qua hình tượng: Hãy đấu tranh đến cùng chống lại cái ác, cái xấu. Chỉ có đấu tranh dũng cảm mới đem lại phần thắng cho chính nghĩa.
* Suy nghĩ về cuộc chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác của con người
- Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa là cuộc đấu tranh dai dẳng, nảy lửa, không dễ dàng đi đến hồi kết thúc. Trong cuộc chiến này, cái thiện phải dũng cảm đương đầu với cái ác, dũng cảm chiến đấu.
- Mỗi người phải tự vũ trang cho mình một bản lĩnh vững vàng, một niềm tin mãnh liệt, cần phải hợp sức chung lòng để tiêu diệt tận gốc cái ác, cái thiện.