Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [561798]: Xác định đề tài, chủ đề chính của văn bản.
- Đề tài: người Hà Nội trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Chủ đề chính: ngợi ca vẻ đẹp của con người Hà Nội trong kháng chiến.
Câu 2 [561799]: Chỉ ra các nhân vật trong đoạn trích. Xác định nhân vật chính.
- Các nhân vật: bác sĩ Luyện, anh Hoàng con trai bác sĩ Luyện, vợ chồng ông kĩ sư bạn bác sĩ Luyện, cô gái con vợ chồng ông kĩ sư - người yêu/ vợ anh Hoàng,...
- Nhân vật chính: bác sĩ Nguyễn Văn Luyện.
Câu 3 [561800]: Tìm các chi tiết khắc hoạ hình tượng nhân vật chính; từ đó khái quát nên đặc điểm chính của hình tượng nhân vật này.
- Các chi tiết khắc hoạ nhân vật:
+ “nhà trí thức yêu nước nổi tiếng sang trọng đất Hà Thành” ⟶ có học thức; yêu nước; sang trọng - cốt cách Hà Nội
+ vợ mất, “gà trống nuôi con” ⟶ hoàn cảnh, gia cảnh
+ “tự đi hỏi vợ cho thằng con trai duy nhất” ⟶ yêu thương, trách nhiệm với con cái
+ Thoáng trông thấy bóng cô con gái ông kĩ sư, “ông bác sĩ cười bằng một nụ cười ấm sáng” ⟶ hiền hậu
+ Lời nói: “Hoàng nhà bác bỏ Trường Y ra nhập Vệ quốc đoàn mấy tháng nay rồi, giờ nó đứng bảo vệ Bắc Bộ Phủ. Tình hình nước nhà lúc này đang rất khó, đã có lệnh cho đồng bào tản cư, một chốc nữa bác phải xuống dưới Bạch Mai đốc thúc chuyển bệnh viện ra ngoài. Bởi thế bác tính nên qua bên này sớm, trước là để thưa chuyện với hai bác sau là với cháu. Cả hai bên đều muốn chúng mày nên vợ nên chồng, bất luận thời thế chuyển vần ra sao hai đứa vẫn phải tựa lưng vào nhau mà cùng lo liệu, chúng tôi đều già rồi, anh chị còn trẻ, cứng cáp lên.”
• Xưng hô: “bác - cháu”, “Hoàng nhà bác - chúng mày” ⟶ thân mật, gần gũi, yêu thương
• Từ ngữ: “thưa chuyện” ⟶ trang trọng, lịch thiệp.
• Nội dung lời nói:
o Nói về con trai đầy tự hào, đồng tình với quyết định của con
o Nói về tình thế đất nước nguy ngập một cách đầy trách nhiệm ⟶ yêu nước
o Mong muốn các con nên vợ nên chồng, trưởng thành,... ⟶ yêu thương, trách nhiệm
+ “Ông mong đến ngày nước nhà giành độc lập, đại lộ có ngôi nhà của ông sẽ được mang tên một người anh hùng dân tộc mình, như đại lộ Lý Thường Kiệt chẳng hạn.” ⟶ yêu nước, tự tôn dân tộc
+ “Ông gắt, chỉ huy cho phép anh về với tôi nhưng tôi lại cho phép anh về với chỉ huy.” ⟶ yêu thương con, muốn con được an toàn, muốn một mình chống trả sự vây giáp của kẻ thù
+ “Có tiếng súng lục từ trong nhà bắn liền mấy phát trả lời.” ⟶ kiên cường, dũng cảm, yêu nước, tự trọng
+ “Hóa ra thằng Hoàng trong tay chỉ có một quả lựu đạn, còn bác Luyện mới là người dùng súng.” ⟶ dũng cảm, yêu nước
- Đặc điểm nhân vật:
+ Một người cha rất mực thương con
+ Một bác sĩ tận tâm, trách nhiệm với công việc
+ Một công dân, một trí thức, một cán bộ yêu nước; giàu lòng tự hào, tự tôn dân tộc; dũng cảm chiến đấu, hi sinh trước kẻ thù
+ Một người Hà Nội lịch lãm, tự trọng, thà chết không đầu hàng giặc
...
Câu 4 [561801]: Chỉ ra yếu tố trữ tình, yếu tố tự sự trong đoạn (2); phân tích tác dụng kết hợp giữa chúng.
- Biểu hiện của yếu tố trữ tình, yếu tố tự sự trong đoạn (2):
+ Yếu tố tự sự: việc bác sĩ Luyện đi hỏi vợ cho con trai, việc bác sĩ Luyện cùng con trai chiến đấu chống lại giặc Pháp,...
+ Yếu tố trữ tình:
• Các từ ngữ gọi tên các nhân vật “ông”, “ông kĩ sư”, “anh”, “chị” ⟶ thái độ trân trọng của người viết đối với các nhân vật.
• Chi tiết giới thiệu nhân vật “nhà trí thức yêu nước nổi tiếng sang trọng đất Hà Thành” ⟶ trân trọng, ngợi ca.
• Chi tiết miêu tả nhân vật “ông bác sĩ cười bằng một nụ cười ấm sáng” ⟶ trân trọng, mến yêu.
• Chi tiết khắc hoạ nỗi lòng, cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật: “Ông mong đến ngày nước nhà giành độc lập, đại lộ có ngôi nhà của ông sẽ được mang tên một người anh hùng dân tộc mình, như đại lộ Lý Thường Kiệt chẳng hạn.” ⟶ Sự thấu hiểu của người viết đối với nỗi lòng, tâm tư của nhân vật.
• Chi tiết lời nói của bà vợ ông kĩ sư: “có bảo bác ấy cầm dao thầy thuốc mổ xẻ thì tôi tin chứ bác ấy có để tâm đến súng đạn bao giờ” ⟶ Thông qua cảm xúc của bà vợ ông kĩ sư, tác giả gián tiếp bộc lộ cảm xúc ngỡ ngàng, ngạc nhiên, đầy thương xót của mình trước tinh thần chiến đấu quả cảm của bác sĩ Luyện.
• Cảm xúc, suy nghĩ của người viết được bộc lộ trực tiếp về con người và mảnh đất Hà Nội trong kháng chiến: “ta chỉ còn biết nghẹn ngào thầm nói một lời tạ ơn, tự nhủ mình phải gắng lên sao cho xứng đáng với người đã khuất và để không phải thẹn thùng với con cháu.”; “Sự không biết xấu hổ rất dễ trở thành căn bệnh tệ hại, (...) chỉ có thể chiến thắng nó bằng sức mạnh lấy từ chính niềm tự hào và tự trọng dân tộc.”; “tôi càng thêm thương yêu một Hà Nội lấm láp, càng thêm tin một Hà Nội điềm nhiên, mỗi ngày tôi tìm trong từng bước đi của nó một danh dự đất nước”.
• Chi tiết kết thúc “Sớm xuân, một nhành mai ngày mới.” ⟶ xúc cảm hi vọng.
- Tác dụng của sự kết hợp:
+ Tự sự trở thành cái cớ để người viết dựa vào đó mà bộc lộ, giãi bày tình cảm, cảm xúc.
+ Trữ tình là mục đích tối cao của bài tuỳ bút, giúp người viết bộc lộ tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ về nhân vật bác sĩ Luyện qua các chi tiết, sự việc cụ thể gắn liền với nhân vật.
Câu 5 [561802]: Chỉ ra phương thức biểu đạt biểu cảm, phương thức biểu đạt nghị luận trong đoạn (3); phân tích tác dụng kết hợp giữa chúng.
Chỉ ra phương thức biểu đạt biểu cảm, phương thức biểu đạt nghị luận trong đoạn (3); phân tích tác dụng kết hợp giữa chúng.
- Biểu hiện phương thức biểu đạt biểu cảm, phương thức biểu đạt nghị luận trong đoạn (3):
+ Nghị luận:
• “Sự không biết xấu hổ rất dễ trở thành căn bệnh tệ hại, nó có thể hủy hoại, làm hoen gỉ sức sống một dân tộc và cũng chỉ có thể chiến thắng nó bằng sức mạnh lấy từ chính niềm tự hào và tự trọng dân tộc.”;
• “Mất gì cũng là mất nhưng đến mất danh dự mới là mất hết.”
+ Biểu cảm:
• “ta chỉ còn biết nghẹn ngào thầm nói một lời tạ ơn, tự nhủ mình phải gắng lên sao cho xứng đáng với người đã khuất và để không phải thẹn thùng với con cháu.”;
• “tôi càng thêm thương yêu một Hà Nội lấm láp, càng thêm tin một Hà Nội điềm nhiên, mỗi ngày tôi tìm trong từng bước đi của nó một danh dự đất nước”
- Tác dụng của sự kết hợp:
+ Nghị luận giúp lời văn mang đậm màu sắc suy tư, chiêm nghiệm, khiến tình cảm, cảm xúc không bị nông, bị nhạt mà quyện với chiều sâu của sự suy ngẫm.
+ Biểu cảm khiến yếu tố nghị luận không khô cứng, hô hào, khẩu hiệu, sáo rỗng mà chân thực, cảm động.
Câu 6 [561803]: Văn bản thể hiện tình cảm, thái độ nào của người viết với hình tượng nhân vật chính?
Văn bản thể hiện rõ nét thái độ yêu quý, kính trọng, ngợi ca của người viết đối với hình tượng nhân vật bác sĩ Nguyễn Văn Luyện.
Câu 7 [561804]: Việc kết thúc văn bản bằng hình ảnh Sớm xuân, một nhành mai ngày mới có ý nghĩa gì?
Việc kết thúc văn bản bằng hình ảnh Sớm xuân, một nhành mai ngày mới thể hiện niềm tin, niềm hi vọng vào một tương lai đẹp đẽ, tươi sáng của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung.
Câu 8 [561805]: Tìm một vài câu văn chứng minh chất thơ trong ngôn ngữ của văn bản.
Chất thơ trong ngôn ngữ của văn bản được thể hiện qua các câu văn mang tính miêu tả hoặc khơi gợi tình cảm, cảm xúc đẹp đẽ:
- “Những chiều đông Hà Nội ngồi bên vỉa hè uống chén trà nóng ngắm rặng bàng khô khẳng trút lá, thử hình dung mùa đông Hà Nội 1946.”
- “Vào một chiều như thế bác sĩ Nguyễn Văn Luyện - nhà trí thức yêu nước nổi tiếng sang trọng đất Hà Thành đột ngột đến nhà một người bạn trong cái ngõ vắng thưa thớt người qua lại.”
- “Thoáng trông thấy bóng cô ông bác sĩ cười bằng một nụ cười ấm sáng như thể ông đã để dành nó từ bao năm tháng.”
- “Đi trên đường Hà Nội hôm nay một ngày là một ngày được lặng lẽ đồng hành với những năm tháng xa xăm tràn ngập tinh thần thuần Việt.”
- “Và tôi càng thêm thương yêu một Hà Nội lấm láp, càng thêm tin một Hà Nội điềm nhiên, mỗi ngày tôi tìm trong từng bước đi của nó một danh dự đất nước.”
- “Sớm xuân, một nhành mai ngày mới.”
Bài tập viết
Câu 9 [561806]: Anh/Chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ), trình bày suy nghĩ về trách nhiệm “phải gắng lên sao cho xứng đáng với người đã khuất và để không phải thẹn thùng với con cháu” được đặt ra từ bài tùy bút của Đỗ Chu.
Bài văn trình bày suy nghĩ về trách nhiệm phải gắng lên sao cho xứng đáng với người đã khuất và để không phải thẹn thùng với con cháu được đặt ra từ bài tuỳ bút của Đỗ Chu có thể được triển khai theo nhiều cách, song cần bảo đảm các ý:
1. Giải thích ngắn gọn để xác định vấn đề nghị luận được rút ra từ văn bản:
- người đã khuất: những người trong quá khứ đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ đất nước
- con cháu: thế hệ tương lai
- phải gắng lên sao cho xứng đáng, không phải thẹn thùng: lời khuyên về lối sống, cách sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của cha ông và không cảm thấy có lỗi với con cháu
⟶ Rút ra vấn đề nghị luận: Trách nhiệm phải sống xứng đáng với sự hi sinh của cha ông và trách nhiệm nêu gương cho thế hệ sau
2. Sơ lược về sự hi sinh của thế hệ đi trước trong đoạn trích từ tuỳ bút Đi trên đường Hà Nội (Đỗ Chu):
Đoạn trích khắc hoạ thành công hình tượng bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, một trí thức yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
3. Bàn về trách nhiệm sống xứng đáng với sự hi sinh của cha ông và trách nhiệm nêu gương với thế hệ con cháu
- Sống có trách nhiệm với sự hi sinh của cha ông là biết tiếp nối lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của cha ông; nỗ lực gìn giữ thành quả tốt đẹp của cha ông để lại - thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước.
⟶ Đó là lối sống đẹp, đúng đắn.
- Lí giải vì sao đúng
+ Mỗi đất nước, mỗi dân tộc là một cộng đồng gắn kết các thế hệ cùng chung nguồn gốc tổ tiên. Thế hệ nào cũng phải có trách nhiệm góp phần bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.
+ Việt Nam là quốc gia gần như thế kỉ nào cũng có ngoại xâm, các thế hệ cha ông đã đổ máu để giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc. Các thế hệ tiếp nối phải biết ơn và tiếp tục công cuộc giữ gìn nền độc lập ấy. Đó cũng là cách nêu gương cho thế hệ sau nối tiếp sứ mệnh này.
- Đề xuất cách thức để có thể sống có trách nhiệm với cha ông và nêu gương trước các thế hệ con cháu: Trong bối cảnh hiện đại (hoà bình, hội nhập phát triển), thế hệ hôm nay cần:
+ Nhận thức đúng đắn về chủ quyền dân tộc, độc lập quốc gia, coi đó là sinh mệnh của dân tộc và nhân dân; nhận thức đúng đắn về vai trò, sứ mệnh của mỗi cá nhân đối với dân tộc trong việc bảo vệ, giữ gìn, xây dựng, phát triển đất nước
+ Chuyển hoá nhận thức thành những hành động xứng đáng: nghiêm túc trong rèn luyện, học tập; tích cực trong lao động, tạo ra của cải vật chất dựng xây đất nước; sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc lâm nguy; chủ động kết giao với bạn bè quốc tế để học hỏi, phát triển bản thân;... (dẫn chứng)
+ Phê phán những lối sống, cách sống xấu xí, vị kỉ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, tập thể
4. Rút ra bài học nhận thức và hành động