Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [561820]: Nhan đề của văn bản có thể gợi lên những suy luận, phán đoán gì về nội dung được đề cập trong bài phóng sự?
- Từ nghệ thuật gợi đến sự tinh xảo, khéo léo trong lĩnh vực của cái đẹp (như viết văn, làm thơ, vẽ tranh...), trong các hoạt động tinh thần (như gấp giấy, cắm hoa, chơi diều,...); trong khi đó cụm từ băm thịt gà lại gợi đến một hành vi thô phàm trong đời thực.
- Theo đó, nhan đề Nghệ thuật băm thịt gà là một kết hợp từ đặc biệt, gợi đến sự hiện diện của nghệ thuật gắn với đối tượng không tương thích, từ đó tạo liên tưởng về thứ “nghệ thuật” xuất hiện không đúng nơi, đúng chỗ, không đáng. Kết hợp từ này cũng cho thấy thái độ có phần châm biếm của người viết.
Câu 2 [561821]: Các sự việc chính trong văn bản được tác giả thuật lại theo trình tự nào? Nhận xét về cách quan sát, ghi chép hiện thực của tác giả.
- Các sự việc chính trong văn bản được tái hiện theo trình tự thời gian:
+ Vào buổi khuya, gần sáng trong câu chuyện của tác giả và Lăng Vân
+ Khi trời đã sáng rõ cảnh mọi người kéo đến nhà Lăng Vân dự lệ làng
+ Khi hàng xóm đã đến đông đủ, cảnh anh mõ làng chia cỗ và băm thịt gà
- Cách quan sát, ghi chép của tác giả:
+ Tác giả đã quan sát, ghi chép hiện thực tại chỗ (trực tiếp), chi tiết cụ thể, chân thực toàn bộ câu chuyện về một cảnh “chứa hàng xóm” có bối cảnh, tình huống.
+ Diễn biến sự việc có khi chậm chạp (chùng chình), có lúc cao trào, gấp gáp.
⟶ Ngô Tất Tố đã có cách quan sát, ghi chép hiện thực rất tỉ mỉ, chi tiết, sắc sảo, tinh tế và khách quan. Nhờ vậy, phóng sự Nghệ thuật băm thịt gà trở nên sinh động, hấp dẫn, có giá trị hiện thực và giá trị nghệ thuật cao.
Câu 3 [561822]: Cảnh anh mõ làng băm thịt gà trong cuộc chia cỗ phản ánh hiện thực gì ở nông thôn Việt Nam xưa?
- Cảnh anh mõ làng băm thịt gà được miêu tả khá chi tiết:
+ Không khí ngột ngạt, chen chúc: người đến mỗi lúc một đông. Già có, trẻ có, đứng bóng có... trong nhà giường phản chật hết,...
+ Thằng mõ chia cỗ từ một cỗ xôi gà:
• “Đề bài” chia cỗ cho thằng mõ: Chia lễ thành hai mươi ba cỗ, tám cỗ kiến tại, một cỗ chứa, một cỗ cho mày, còn mười ba cỗ làm phần, chia sỏ gà pha năm, phao câu pha bốn và đặc biệt băm con gà thành chín mươi hai miếng (suất). Theo đó mà hình dung, mỗi phần chỉ một nhúm rất nhỏ xôi gà. ⟶ Đề bài khó thực hiện với người bình thường, không quen tay, quen việc.
• Động tác điêu luyện, đáp ứng “đề bài”: hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một ⟶ thằng Mõ hiện lên như một “nghệ sĩ” chia cỗ.
• Âm thanh tiếng dao công cốc vào mặt thớt ⟶ cho người đọc hình dung không có thịt gà (nguyên liệu chính), mà ở đó chỉ có dao thớt.
⟶ Trước sự chứng kiến của đông đảo chức sắc và hàng xóm, thằng Mới (mõ làng) đã trở thành một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ. Băm thịt gà đã trở thành nghệ thuật từ nhiều đời trong hủ tục nông thôn.
- Thông qua việc làm này đã phản ánh hiện thực phong tục, tập quán, lệ làng qua quan niệm sống “một miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”. Đây là một lệ làng nhưng đồng thời cũng là một hủ tục, lạc hậu nhiêu khê của nông thôn Việt Nam xưa.
Câu 4 [561823]: Nhận xét về tác dụng của việc sử dụng ngôi kể thứ nhất trong bài phóng sự.
- Văn bản được kể ở ngôi kể thứ nhất (xưng “tôi”). Nhân vật xưng tôi kể lại sự việc là người trực tiếp chứng kiến “nghệ thuật băm thịt gà” của anh mõ làng.
- Tác dụng của ngôi kể: bảo đảm tính chân thực cho sự việc, sự kiện được kể. Thông qua con mắt quan sát, ghi chép và tường thuật của người kể chuyện, ta còn thấy được thái độ phê phán của cái tôi đối với “việc làng” phiền toái, nhiêu khê, lạc hậu.
Câu 5 [561824]: Chỉ ra và phân tích những yếu tố tạo nên giọng điệu của bài phóng sự.
- Giọng điệu của bài phóng sự: hóm hỉnh, hài hước, châm biếm, phê phán sâu cay.
- Những yếu tố đã tạo nên giọng điệu của bài phóng sự
+ Lối quan sát, ghi chép tỉ mỉ, chân thực đã khái quát, tổng hợp nên một điển hình của xã hội phong kiến Việt Nam xưa (vai vế, thứ bậc).
+ Miêu tả, tái hiện hình ảnh mỗ (thằng Mới) trong chia cỗ thịt gà (băm) một cách điêu luyện, với cái nhìn khách quan, trung thực pha lẫn ý nghĩa phê phán
+ Cách sử dụng ngôn ngữ miêu tả cùng với những lời trữ tình ngoại đề đầy thán phục nhưng không phải là lời ngợi ca tài năng và nghệ thuật mà là lời châm biếm về hủ tục chia phần rất nặng nề ở làng quê Việt Nam xưa.
Câu 6 [561825]: Theo anh/chị, những nội dung được đề cập trong văn bản còn có ý nghĩa đối với thực tiễn hiện nay không? Lí giải ý kiến của anh/chị.
Những nội dung được đề cập trong văn bản hiện vẫn còn có ý nghĩa đối với thực tiễn hiện nay. Bởi lẽ ở nhiều làng quê Việt Nam ngày nay vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, đáng phê phán, như: tục đốt vàng mã trong các ngày rằm tự; tục tảo hôn; tục uống rượu trong nhiều đám hỉ; tục làm cỗ linh đình trong các đám cưới xin, tang ma;...
Câu 7 [561826]: Hãy khái quát đặc điểm cơ bản của thể loại phóng sự qua văn bản Nghệ thuật băm thịt gà.
- Tính thời sự: Tác giả đã tái hiện một hiện tượng diễn ra trong đời sống nông thôn Việt Nam thời bấy giờ, qua đó tác động đến nhận thức của con người trong xã hội đương thời.
- Tính xác thực: Thể hiện qua việc ghi chép chân thực những chi tiết, thời gian, địa điểm,... đặc biệt là việc ghi chép tại chỗ cảnh băm thịt gà.
- Tính thẩm mĩ: Thể hiện dấu ấn phong cách cá nhân của tác giả trong việc miêu tả sự việc và nhân vật; sử dụng ngôn ngữ và những lời trữ tình ngoại đề giàu hình ảnh, cảm xúc,... tạo hứng thú cho người đọc.
Bài tập viết
Câu 8 [561827]: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận về một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật của văn bản Nghệ thuật băm thịt gà mà anh/chị tâm đắc.
Đoạn văn trình bày cảm nhận về một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật của văn bản Nghệ thuật băm thịt gà tâm đắc có thể được triển khai theo các bước:
- Lựa chọn một khía cạnh nội dung (câu chuyện về lệ làng, cảnh băm thịt gà,...) hoặc nghệ thuật (cách quan sát, ghi chép tại chỗ; nghệ thuật miêu tả nhân vật; giọng điệu hài hước, châm biếm;...) để triển khai đoạn văn.
- Triển khai thành đoạn văn theo hướng:
+ Giới thiệu khía cạnh được lựa chọn làm đề tài cho đoạn văn.
+ Nêu vị trí, phân tích được ý nghĩa của khía cạnh đó trong việc làm nên giá trị nội dung hoặc nghệ thuật của bài phóng sự.
+ Nhấn mạnh đặc điểm của thể loại phóng sự được thể hiện qua khía cạnh vừa phân tích.