Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [561780]: Văn bản trên thể hiện những đặc điểm nào của thể loại phóng sự?
Đặc điểm của thể loại phóng sự được thể hiện trong đoạn trích:
- Ghi chép cụ thể những sự việc, con người nhằm làm sáng tỏ trước công luận về vấn đề đặt ra từ bài viết:
+ Sự việc môi giới công việc đi ở cho một đám người thuộc đủ giai gái, lứa tuổi, hạng giá,... của một mụ mối.
+ Con người xuất hiện trong đoạn phóng sự gồm nhân vật “tôi”, một mụ mối và mười sáu người chờ được bán sức để kiếm miếng ăn.
- Yếu tố chính luận thể hiện qua những suy nghĩ và bình luận ngoại đề của tác giả, chẳng hạn:
+ Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật. Thật vậy, tôi thấy một vài con chó còn được chủ mua thịt bò cho ăn. Có khi, con chó mỗi tháng khiến chủ tốn kém hơn một đứa tôi tớ trong nhà.
+ mụ đưa người đã thành công trong việc “bóp cổ” người. Cái giá trị làm người, đối với bọn cơm thầy cơm cô không phải ở cái sức làm việc của con người, nhưng mà treo trên đầu lưỡi của con mẹ nặc nô mềm nắn rắn buông và suốt đời không bao giờ biết nói thật.
Câu 2 [561781]: Liệt kê một số chi tiết có tính xác thực và nêu tác dụng của các chi tiết đó trong văn bản.
- Một số chi tiết có tính xác thực trong văn bản:
+ Địa điểm: ở một đầu hè
+ Chi tiết về số lượng đám người chờ bán sức lao động rẻ mạt: Mười sáu người đủ hạng lớn bé, trẻ già.
+ Những chi tiết về các hạng người: bọn trẻ, trai và gái chưa qua 12 tuổi, bọn thằng nhỏ loạt tuổi nhân vật “tôi”, bà lão định ở vú già, người đàn bà đi ở vú - chị này mới đẻ con so, xưa nay lại không phải chân lấm tay bùn bao giờ, lại là vợ ông Phó lý
+ Dáng vẻ của đám người trong lúc chờ đợi người đến mướn: Bọn kia cứ việc, bầy hàng đầy giẫy ở đầu hè, duỗi dài chân ra, hoặc là xoạc cẳng ra, quần vén lên đến đùi.
- Tác dụng của các chi tiết: mang lại tính chân xác cho việc tác giả đang ghi lại.
Câu 3 [561782]: Anh/Chị có nhận xét gì về mật độ sử dụng và tác dụng của lời thoại trong văn bản?
- Văn bản sử dụng với mật độ dày đặc các lời thoại ngắn khiến người đọc có cảm giác tác giả đang ghi nhanh lời các nhân vật đang nói.
- Tác dụng của lời thoại trong văn bản:
+ Góp phần phản ánh hiện thực đang được phơi bày, khiến hiện thực ấy hiện lên tươi ròng, ngồn ngộn sự sống.
+ Khiến các nhân vật hiện lên sinh động, từ đó bộc lộ bản thân qua lời nói của chính mình.
Câu 4 [561783]: Tìm một số ví dụ về sự kết hợp giữa trần thuật với miêu tả hoặc kết hợp giữa trần thuật với bình luận và cho biết tác dụng của sự kết hợp ấy.
- Sự kết hợp giữa trần thuật với miêu tả, trần thuật với bình luận
+ Trần thuật: kể lại sự việc “đưa người”/ mối lái người đi ở của một mụ mối.
+ Miêu tả: ngoại hình, dáng điệu, dáng vẻ nhân vật (Mụ già khinh khỉnh nhìn tôi; một bà già đã đứng tuổi, áo the trắng, hoa tai to, đến vẫy mụ; Vú em vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn; mụ già giãy nảy người lên; Bà kia bĩu môi; Một cách rất khả ố, mụ già gãi đầu một hồi, rồi cau có nét mặt mà phàn nàn;...).
+ Bình luận: đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về đối tượng:
• Về đám người chờ được mướn làm người ăn kẻ ở: Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật.; Có khi, con chó mỗi tháng khiến chủ tốn kém hơn một đứa tôi tớ trong nhà.
• Về nhân vật mụ mối: Cái giá trị làm người, đối với bọn cơm thầy cơm cô không phải ở cái sức làm việc của con người, nhưng mà treo trên đầu lưỡi của con mẹ nặc nô mềm nắn rắn buông và suốt đời không bao giờ biết nói thật.; Còn 15 người nữa đói thì mụ cần gì, vì chính mụ, mụ có phải đói hộ người khác đâu.
- Tác dụng của những sự kết hợp trên:
+ Trần thuật khiến việc được kể hiện lên rõ ràng.
+ Miêu tả khiến đối tượng hiện lên chi tiết, cụ thể, sinh động, sắc nét, mang thần thái đặc trưng.
+ Bình luận giúp người viết bộc lộ quan điểm của mình.
Sự kết hợp giữa trần thuật với miêu tả và trần thuật với bình luận giúp đoạn trích phóng sự gia tăng sức hấp dẫn, thể hiện tài năng của nhà văn.
Câu 5 [561784]: Đoạn trích này giúp anh/chị hiểu như thế nào về con người, xã hội Việt Nam thời kì trước năm 1945?
Đoạn trích cho thấy sự phân hoá các giai tầng trong xã hội Việt Nam trước năm 1945 khá sâu sắc. Những con người ở tầng lớp dưới đáy luôn gắn liền với thân phận rẻ rúng, thậm chí còn không được ứng xử như con người.
Câu 6 [561785]: Nhận xét về nghệ thuật viết phóng sự của tác giả Vũ Trọng Phụng (tác dụng của việc sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, cách trần thuật, miêu tả, sử dụng lời thoại,... trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của văn bản).
Nghệ thuật viết phóng sự của Vũ Trọng Phụng:
- Ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện trực tiếp chứng kiến câu chuyện, kể lại theo những gì “mắt thấy tai nghe”. Điều này khiến việc được kể hiện lên chân thực, rõ nét, trực quan, đồng thời giúp người kể chuyện có thể bộc lộ quan điểm, thái độ của mình một cách dễ dàng.
- Điểm nhìn khách quan giúp tác giả ghi lại chân xác sự thật (việc “đưa người”, dẫn người đi ở của một mụ mối).
- Tác giả trần thuật theo diễn tiến sự việc (theo mạch thời gian tuyến tính) kết hợp sự việc đặc sắc, giúp câu chuyện hiện lên tuần tự, đồng thời làm lộ rõ bản chất của con người và sự việc đang được phản ánh (sự việc mụ mối “đưa người” cho một bà đi thuê vú em cho mợ Ký).
- Việc sử dụng lời thoại cũng giúp các nhân vật tự bộc lộ bản thân mình, đồng thời như một sự ghi chép trung thực của tác giả về những điều “mắt thấy tai nghe”.
Câu 7 [561786]: Theo anh/chị, cách phản ánh sự thật đời sống của phóng sự và nhật kí có gì giống và khác nhau?
Cách phản ánh sự thật đời sống của phóng sự và nhật kí:
- Giống nhau:
+ Ghi chép những sự kiện xác thực của đời sống
+ Kết hợp trần thuật với miêu tả, kết hợp trần thuật với trải nghiệm, thái độ và đánh giá của người viết
- Khác nhau:
+ Nhật kí: người viết thường ghi lại sự kiện, cảm nghĩ của cá nhân “vừa mới xảy ra”, thường sử dụng hình thức trần thuật ngôi thứ nhất, số ít; chủ yếu là lời độc thoại của tác giả hoặc nhân vật.
+ Phóng sự: người viết thường bám sát hiện thực đời sống, phát hiện những sự việc, vấn đề gay cấn, có ý nghĩa thời sự để điều tra, phỏng vấn, đối thoại, ghi chép,...
Bài tập viết
Câu 8 [561787]: Viết đoạn văn (khoảng 10 - 12 dòng), so sánh hình ảnh mụ “đưa người” trong văn bản Giá trị làm người (trích Cơm thầy cơm cô - Vũ Trọng Phụng) với hình ảnh mụ mối trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) qua những dòng thơ in đậm dưới đây:
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh .
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh ”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần ,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vài lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.
Nỗi mình thêm tức nỗi nha,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai .
Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tuỳ cơ dặt dìu.
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều ,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Mối rằng: “Giá đáng nghìn vàng,
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài!”
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm.
Học sinh có thể triển khai đoạn văn theo hướng:
- Điểm tương đồng:
+ Cùng làm “nghề” “đưa người”, dẫn mối, “môi giới”;
+ Đều biết “chèo kéo” cho người mình “môi giới” ở mức giá cao nhất;
+ Đều tự phô bày sự khả ố của mình trong cách cò kè mặc cả.
- Điểm khác biệt:
+ Mụ mối trong Truyện Kiều làm mối Kiều cho Mã Giám Sinh, về hình thức là đó là mối nhân duyên nhưng về bản chất thì đó lại là hành vi đưa Kiều vào chốn lầu xanh.
+ Mụ mối trong Cơm thầy cơm cô dẫn mối cho người đi ở. Mụ khá thông thạo hạng người, giá cá, cách mặc cả để có được giá cao cho người đi ở và đặc biệt là để được hưởng lợi tiền quà cao cho chính mình.