Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [561934]: Liệt kê các hành động kịch của nhân vật Poóc-xi-a và Sai-lốc trong đoạn trích Thực thi công lí từ đó hãy nêu tình huống kịch trong đoạn trích.
Câu 2 [561935]: Ghép phần văn bản ở cột A với cấu trúc đối thoại phù hợp ở cột B. Chỉ ra tác dụng của cách tổ chức các lời thoại đó.
Câu 3 [561936]: Chỉ ra và nêu nhận xét của anh/chị về xung đột kịch trong đoạn trích. (Gợi ý: Xung đột xảy ra giữa ai với ai và về điều gì? Đỉnh điểm của xung đột là khi nào? Xung đột được giải quyết bằng cách nào? Cảm xúc của người đọc diễn biến như thế nào theo mức độ phát triển của xung đột?,...).
- Đoạn trích thể hiện xung đột giữa Sai-lốc và nhân vật An-tô-ni-ô. Bên cạnh An-tô-ni-ô là các nhân vật khác như Poóc-xi-a, Ba-xa-ni-ô, Đại thống lĩnh.
Xung đột xoay xung quanh việc Sai-lốc khăng khăng đòi toà phải xử cho hắn được lấy cân thịt trên ngực người lái buôn theo như cam kết ghi trong văn khế. Đó là xung đột giữa thiện và ác, tốt - xấu:
+ Bên ác, xấu: Sai-lốc muốn mượn bàn tay luật pháp, mượn công lí để thoả mãn mưu đồ đen tối, độc ác, tiêu diệt người lương thiện tử tế chỉ vì người đó đã khiến cho việc làm ăn theo lối cho vay nặng lãi với giá cắt cổ của hắn bị ngáng trở.
+ Bên thiện, tốt: An-tô-ni-ô là người tốt, nghĩa hiệp; Poóc-xi-a muốn chứng tỏ sự nghiêm minh, sáng suốt của luật pháp, bảo vệ người tử tế, trừng phạt kẻ ác độc.
- Xung đột được phát triển qua hành động kịch của các nhân vật, giàu kịch tính:
+ Đỉnh điểm của xung đột là khi quan toà Poóc-xi-a, theo đề nghị của Sai-lốc, đã chấp thuận cho thực thi bản án đúng như cam kết ghi trong văn khế. Trước đỉnh điểm này, xung đột được phát triển theo hướng một bên tìm lí lẽ để thuyết phục, lí lẽ được trình bày theo hướng tăng tiến (hãy khoan hồng vì khoan hồng “còn hơn cả vòng vương miện nữa” ⟶ hãy khoan hồng và nhận lấy gấp ba số tiền để xé tờ văn khế đi (với một kẻ chuyên cho vay nặng lãi như Sai-lốc thì tiền có sức mạnh vạn năng hơn những triết lí đẹp đẽ về giá trị của khoan hồng) ⟶ thi hành bản án nhưng hãy cho người gọi nhà phẫu thuật đến để hàn lại vết thương cho An-tô-ni-ô, kẻo ông ta có thể chết sau khi án được thực thi (nhượng bộ cho thi hành theo văn khế và thuyết phục Sai-lốc thực hiện các biện pháp nhân đạo); bên kia khăng khăng, “đóng đinh” đòi hỏi theo đúng yêu cầu của văn khế.
+ Khi xung đột được đẩy lên đỉnh điểm, nó hiện ra trong mệnh lệnh dành cho An-tô-ni-ô của Poóc-xi-a: “Ngươi hãy phanh ngực ra.” và thái độ tán dương quan toà thể hiện sự thoả mãn tột độ của Sai-lốc. Nhưng, từ đây trở đi Poóc-xi-a bắt đầu tấn công ngược lại Sai-lốc bằng chính lí lẽ của hắn, còn Sai-lốc thì cứ đầu hàng dần cho đến khi bị hạ gục hoàn toàn. Xung đột được giải quyết bằng chính cách mà nó được tạo ra - tất cả đều dựa trên cam kết được ghi trên tờ văn khế. Sai-lốc định dùng cam kết này làm thòng lọng để thít cổ An-tô-ni-ô, Poóc-xi-a tương kế tựu kế, dùng chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”, lấy chính cam kết của văn khế để luận tội và kết án Sai-lốc. Xung đột được giải quyết, chẳng những An-tô-ni-ô được cứu thoát khỏi mưu đồ độc ác, bẩn thỉu của Sai-lốc mà toà còn kết tội được kẻ có tâm địa hẹp hòi, độc ác, buộc hắn phải đền tội bằng lí lẽ của chính hắn.
- Cảm xúc của người đọc khi theo dõi xung đột kịch: căng thẳng, lo lắng, thích thú, hả hê, khâm phục,...
Câu 4 [561937]: Qua lời thoại và hành động kịch của nhân vật, hãy làm rõ tính cách của nhân vật Sai-lốc. Vì sao đây là một nhân vật hài kịch?
- Lời thoại, hành động kịch của Sai-lốc cho thấy hắn là một kẻ tham lam, độc ác, chỉ vì tiền mà mất hết tính người, quyết dồn người khác vào con đường chết (khăng khăng viện dẫn cam kết trong văn khế của lão, trơ trơ trước mọi thuyết phục về việc nên khoan hồng và lòng nhân từ; những lời ca tụng, tán dương quan toà thể hiện sự hả hê vì thoả mãn được mưu đồ thâm độc của bản thân; sự đầu hàng từng bước cho thấy hắn vẫn tham lam “cố đấm ăn xôi”;...).
- Sai-lốc là nhân vật hài kịch bởi hắn là hiện thân của cái xấu, cái ác, là đối tượng của tiếng cười phê phán, lên án sự tham lam, độc ác, mất hết tính người. Hắn cũng được thể hiện qua các thủ pháp trào phúng của hài kịch.
Câu 5 [561938]: Theo anh/chị, có nên sáp nhập tất cả những lời tuyên án, luận tội của Poóc-xi-a dành cho Sai-lốc vào một lượt lời thoại không? Vì sao? Qua đoạn trích, hãy nêu và làm rõ nhận xét của anh/chị về nhân vật Poóc-xi-a.
- Không nên sáp nhập tất cả những lời tuyên án, luận tội của Poóc-xi-a dành cho Sai-lốc vào một lượt lời thoại. Vì điều đó:
+ Thể hiện sự tấn công, thít chặt từng bước bằng vòng dây lí lẽ của chính Sai-lốc.
+ Tạo ra sự bất ngờ cho người đọc về những điều sẽ tiếp tục được bộc lộ, đồng thời cũng khiến sự hả hê của người đọc được tăng tiến dần.
+ Làm giãn nhịp điệu của vở kịch, tôn vinh nhân vật Poóc-xi-a, tạo ra sự đăng đối hài hoà với phần phát triển xung đột kịch trước đó (ở phần phát triển trước đỉnh điểm, cứ mỗi phát ngôn thể hiện sự đồng thuận của Poóc-xi-a với văn khế thì Sai-lốc lại bộc lộ một lời tán dương. Ở phần giải quyết xung đột này, mỗi một lời tuyên án của Poóc-xi-a cũng nhận được một lời tán dương từ Gra-ti-a-nô).
- Nhân vật Poóc-xi-a trong văn bản là một vị quan toà thông minh, lập luận chặt chẽ, sắc sảo, buộc kẻ có mưu mô, dã tâm thâm độc phải nhận tội, bảo vệ được công lí.
Câu 6 [561939]: Hãy lựa chọn để đối thoại với một trong các ý kiến sau đây (Gợi ý: đồng tình, không đồng tình, lí do,...).
a. “Chính bản chất của sự khoan hồng là không vâng theo áp lực, nó từ trên trời sa xuống như một trận mưa tốt lành; nó được trời ban phước hai lần: được ban phước trong kẻ ra ơn cũng như trong kẻ chịu ơn.” (lời của Poóc-xi-a)
b. “ [...] tôi khẩn cầu các ngài: các ngài hãy bắt công lí phải nhượng bộ, nhân danh uy quyền của các ngài; các ngài hãy làm cái việc sai trái nhỏ đó để nhằm một việc nhân nghĩa rất lớn. [...]” (lời của Ba-xa-ni-ô)
c. “Không có quyền lực nào ở Vơ-ni-dơ có quyền thay đổi một sắc lệnh đã ban bố; làm như vậy sẽ tạo nên một tiền lệ, và vin vào cái gương đó, trăm nghìn sự nhũng lạm sẽ xúm lại làm hại nhà nước; không thể làm như thế được.” (lời của Poóc-xi-a)
HS chọn một trong số các ý kiến và tiến hành đối thoại với ý kiến đó. Chẳng hạn:
- Không đồng tình với ý kiến (b). “ [...] tôi khẩn cầu các ngài: các ngài hãy bắt công lí phải nhượng bộ, nhân danh uy quyền của các ngài; các ngài hãy làm cái việc sai trái nhỏ đó để nhằm một việc nhân nghĩa rất lớn. [...]” (lời của Ba-xa-ni-ô)
Bài tập viết
Câu 7 [561940]: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải đấu tranh cho lẽ phải trong cuộc đời.
Đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải đấu tranh cho lẽ phải trong cuộc đời có thể được triển khai theo hướng:
- Cuộc đời luôn tồn tại cái xấu, cái ác bên cạnh cái đẹp, cái thiện. Bởi vậy luôn cần đấu tranh cho lẽ phải để xoá bỏ, tiễu trừ cái xấu, cái ác và bênh vực, bảo vệ cái đẹp, cái thiện, làm trong sạch hơn sự sống, cuộc đời.
- Việc đấu tranh cho lẽ phải sẽ mang lại niềm tin yêu cho mọi người, truyền dẫn cho chúng ta tình yêu sự sống.
(Lưu ý: bổ sung dẫn chứng để hoàn thiện đoạn văn.)