Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [561972]: Liệt kê ít nhất năm lời chỉ dẫn sân khấu và nêu tác dụng của các chỉ dẫn đó trong việc thể hiện bối cảnh, xung đột, hành động và tâm trạng của nhân vật.
Trong đoạn trích có rất nhiều chỉ dẫn sân khấu, chẳng hạn chỉ dẫn mở đầu đoạn trích: Các vai trên, thêm chủ sự bưu vụ hót hơ hớt hải chạy vào, tay cầm lá thư. Chỉ dẫn này cho biết bối cảnh xảy ra sự việc là khi Khlét-xta-cốp quan thanh tra giả đã ra khỏi thành phố; thể hiện tâm trạng hốt hoảng, vội vã hiện ra ở bộ dạng của viên chủ sự bưu vụ, giúp người đọc hình dung rõ dáng vẻ và tâm trạng của hắn, gây sự tập trung, chú ý của tất cả mọi người trong đoạn trích. Chỉ dẫn này cũng gắn với tình huống hé mở xung đột kịch.
HS lựa chọn các chỉ dẫn khác, đồng thời phân tích tác dụng của các chỉ dẫn.
Câu 2 [561973]: Nêu tình huống và xung đột trong đoạn trích Quan thanh tra.
- Tình huống kịch: Đọc trộm thư của Khlét-xta-cốp gửi cho người bạn là Giẻ lau, chủ sự bưu vụ phát hiện ra “Người công chức chúng ta tưởng là quan thanh tra, lại không phải là quan thanh tra.” và thông báo cho tất cả đám quan chức trong thành phố khiến chúng sững sờ vì bất ngờ. Đây là tình huống sự nhầm lẫn được phát hiện, phơi bày.
- Xung đột trong đoạn trích: Xung đột giữa Khlét-xta-cốp, kẻ đã láu cá tranh thủ “đục nước béo cò” khi bị đám quan chức tưởng nhầm hắn là quan thanh tra, với tất cả đám quan chức, quý tộc quan liêu, bịp bợm, thối tha trong thành phố (gồm thị trưởng, chủ sự bưu vụ, viện trưởng viện tế bần, kiểm học, chánh án,...).
Đó là kiểu xung đột giữa cái xấu và cái xấu trong hài kịch.
Câu 3 [561974]: Đặc điểm nhân vật hài kịch hiện lên trong đoạn trích như thế nào? Anh/Chị ấn tượng nhất với nhân vật nào? Vì sao?
- Nhân vật hài kịch là nhân vật thường có sự không tương xứng giữa thực chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, giữa vị trí, chức vụ, bổn phận phải đảm trách với thực tế năng lực,... Do đó, nhân vật hài kịch chứa đựng cái xấu, cái lạc hậu, lố bịch,... là đối tượng hướng đến của tiếng cười giải trí, đả kích, phê phán. Để làm nổi bật tiếng cười, nhân vật hài kịch được khắc hoạ trong tình huống, xung đột hài kịch, bằng ngôn ngữ hài kịch với các thủ pháp gây cười ấn tượng nhằm tô đậm nét đáng cười của nhân vật.
- Tất cả các nhân vật trong đoạn trích Quan thanh tra đều mang đặc điểm của nhân vật hài kịch, là đối tượng mà tiếng cười lên án của tác giả hướng vào nhằm mục đích vạch trần bức tranh biếm hoạ của bộ máy quan chức, quý tộc Nga thời đó:
+ Nhân vật thị trưởng đứng đầu thành phố:
• Một kẻ bịp bợm, lừa lọc, ăn hối lộ. Ba mươi năm làm việc quan đã khiến hắn có cả một “bề dày thành tích” trong nghề lừa lọc, đểu giả, bòn rút như chính lời hắn nói ra trong lúc sững sờ, tức tối vì bị Khlét-xta-cốp “đập” cho “một búa chết tươi”.
• Một kẻ hám danh, tìm mọi cơ hội để thăng chức, thăng quyền, leo cao hơn nữa. Vì thế, khi nhầm tưởng Khlét-xa-cốp là quan thanh tra có thế lực ở thủ đô, hắn đã vội vã kéo tất cả đám quan chức và quý tộc đến khách sạn để rước quan thanh tra về nhà mình và hắn đồng ý cho con gái mình lấy quan thanh tra.
• Một kẻ lộng hành, mượn bàn tay quyền lực để sát phạt, trừng trị tất cả những kẻ trái ý mình. Chỉ một cơn tức giận bất thần vì kẻ dưới quyền dám gọi quan thanh tra người mà hắn đang tìm cách cầu cạnh, mua chuộc để thăng tiến, cũng có thể dẫn đến việc “Tôi hạ lệnh bắt ông...”, “tôi sẽ đày ông đi Xi-bia...”.
• Một kẻ ngu ngốc, bị “xỏ mũi” bởi một viên chức hạng xoàng. Chính thói háo danh, luồn lọt quan trên, trấn áp kẻ dưới, lừa lọc, bịp bợm đã khiến hắn mờ mắt “nhìn gà hoá cuốc”, biến một kẻ chẳng ra gì trở thành “quan thanh tra” và bị kẻ chẳng ra gì ấy “đập cho một nhát búa chết tươi”.
• Trong tình huống và sự phát triển của xung đột hài kịch, tác giả đã sử dụng các chi tiết, lời thoại và chỉ dẫn sân khấu để làm nổi bật chân dung méo mó, thối nát của quan thị trưởng, người đứng đầu bộ máy quyền lực của thành phố. Chi tiết “thằng thị trưởng ngu như một con ngựa thiến lông xám” được “công khai” bằng lời đọc to lên của chủ sự bưu vụ trước tất cả bộ máy quyền lực và quý tộc, tiếp tục được xướng lên một lần nữa bởi chính giọng đọc xác nhận của viên thị trưởng, được “tiếp tục đọc” lần thứ ba, lần thứ tư bởi chủ sự bưu vụ. Rồi sau đó, tiếp tục được khẳng định hùng hồn bởi chính lời thoại của viên thị trưởng ở phần cuối đoạn trích. Ngu - dốt nát - “vật hoá”, qua bằng ấy lần thể hiện đã “đóng đinh” tính cách nhân vật và ấn tượng của người đọc về nhân vật đó. Sự hấp dẫn trong cách khắc hoạ nhân vật thị trưởng còn được thể hiện ở những đối lập và thống nhất của chân dung y trước khi bức thư được mở ra: Từ không tin, hống hách, đe doạ trấn áp đến sững sờ, tức tối, giận dữ, sôi sục trả thù, muốn nghiền nát kẻ đã “chơi xỏ” mình,... Lời thoại của thị trưởng ở phần cuối tác phẩm ban đầu là đối thoại, sau đó chuyển sang màu sắc độc thoại, bàng thoại rồi trở lại với đối thoại đã làm cho nội tâm nhân vật được thể hiện rõ, đồng thời mở cánh màn sân khấu hài kịch ra phạm vi rộng lớn ngoài nhà hát (để tất cả mọi người đều quan sát thấy chân dung hài kịch của y). Bằng cách thức khắc hoạ đó, tác giả đã giáng cho thị trưởng một búa “chết tươi” trên sân khấu hài kịch.
+ Bên cạnh thị trưởng là các chân dung quan chức quý tộc đủ mặt. Mỗi nhân vật đều bị bóc mẽ, đều gây cười bởi những phản ứng của chính chúng khi bị bóc mẽ.
+ Nhân vật quan thanh tra “dởm” Khlét-xta-cốp:
• Một viên công chức quèn, ăn chơi, bài bạc, từng có một quá khứ bất hảo cùng gã bạn Giẻ lau.
• Kẻ cơ hội, láu cá, khoác lác, biến lũ quan lại sâu mọt rúm ró trước quyền lực nơi thành phố mà hắn đi qua trở thành những “con lừa” nhờ sự nhầm lẫn đặc biệt. Hắn vừa tranh thủ kiếm được ăn, được tiền, được danh, được tình, lại được cả sự vui vẻ. Hắn vừa tranh thủ lợi dụng, vừa biến những kẻ bị lợi dụng trở thành “thú vui giải trí” cho mình.
• Là kẻ có tài “điểm huyệt” chân dung hài kịch của cả bộ máy công quyền và quý tộc. Hắn khiến cho tất cả các nhân vật phải bước ra sân khấu hài kịch và diễn trò.
• Trong đoạn trích này, sự xuất hiện của hắn rất thú vị. Hắn là kẻ “đeo mặt nạ”, “vừa khớp” với cái mặt nạ là quan thanh tra vì hắn “bắt thóp” được tất cả các đặc điểm cần có của quan thanh tra và của những kẻ là đối tượng thanh tra trong bối cảnh thời đại ấy. Quan thanh tra là phải như thế: hống hách, khoác lác, tranh thủ vơ vét,... Quan chức bị thanh tra tất yếu phải như thế: nạt nộ, đục khoét, trấn áp kẻ dưới, khúm núm, cầu cạnh, hối lộ quan trên,... Chính bầu “khí quyển” của cả xã hội khiến cho Khlét-xta-cốp có cơ hội để vào vai hoàn hảo. Ở đoạn trích này, hắn là nhân vật không xuất hiện trực tiếp, chỉ hiện lên qua bức thư, qua lời thoại của các nhân vật khác nhưng lại có vai trò chính, lôi tất cả những ung nhọt thối nát của bộ máy quan chức, quý tộc trong xã hội đương thời ra ánh sáng của sân khấu hài kịch.
⟶ Khlét-xta-cốp là một nhân vật điển hình.
- HS tự lựa chọn nhân vật ấn tượng nhất theo cảm nhận của riêng mình, đồng thời lí giải vì sao lại có ấn tượng đó.
Câu 4 [561975]: Nhân vật tích cực trong đoạn trích Quan thanh tra chính là tiếng cười. Hãy nêu ý kiến của anh/chị về quan điểm đó.
- Tiếng cười trong đoạn trích đã phơi bày tất cả sự thật thối nát của bộ máy quan lại và quý tộc trong xã hội đương thời. Tiếng cười giúp người đọc nhận rõ bản chất xã hội. Tiếng cười chĩa mũi nhọn phê phán, đả kích tất cả các thói hư, tật xấu, tệ nạn,... cần lên án.
- Tiếng cười thúc đẩy sự phản kháng, đấu tranh để loại bỏ cái tồi tệ, cái xấu, cái ác trong xã hội, mở đường cho sự đi tới của cái tích cực, tiến bộ.
⟶ Tiếng cười chính là nhân vật trung thực và dũng cảm trong vở hài kịch này.
Câu 5 [561976]: Thông điệp chính của đoạn trích là gì? Thông điệp ấy có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống hôm nay?
Thông điệp chính của đoạn trích là phê phán những cái xấu trong xã hội (tệ trạng quan chức tài hèn sức mọn, quan liêu, nhũng nhiễu nhân dân,...; đám người cơ hội, lợi dụng tình thế để trục lợi cho bản thân;...). Thông điệp ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Câu 6 [561977]: Hãy chọn một lời thoại mà anh/chị ấn tượng nhất. Nhập vai thể hiện lời thoại đó trước lớp.
HS tự do lựa chọn một lời thoại bản thân thấy ấn tượng nhất và thể hiện trước lớp.
Bài tập viết
Câu 7 [561978]: Từ đoạn trích Quan thanh tra bên trên, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tiếng cười trong cuộc sống.
Đoạn văn trình bày suy nghĩ về sức mạnh của tiếng cười trong cuộc sống có thể được triển khai theo hướng:
- Tiếng cười là thứ vũ khí sắc bén nhất, lợi hại nhất để phanh phui, vạch trần những thói hư tật xấu của con người trong cuộc đời.
- Tiếng cười cũng có thể cứu vãn danh dự, tự trọng cho những kẻ còn lương tri, biết quay đầu hối cải (thay vì thẳng thắn lật tẩy, tiếng cười khéo léo nhắc nhở, cảnh báo kẻ bị chế giễu một cách khéo léo, tế nhị, kín đáo).
(Lưu ý: bổ sung dẫn chứng để hoàn thiện đoạn văn.)