Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [561912]: Đoạn trích xoay quanh cuộc đối thoại của những nhân vật nào? Mối quan hệ của họ là gì?
- Đoạn trích xoay quanh cuộc đối thoại giữa Rô-mê-ô và Giu-li-ét.
- Mối quan hệ của Rô-mê-ô và Giu-li-ét:
+ Ở Hồi hai họ thuộc về hai dòng họ đối địch nhưng tình yêu của họ đã vượt lên và chiến thắng trở lực này.
+ Ở Hồi ba họ là cặp tình nhân bị chia lia bởi sự thủ hận của hai dòng họ.
Câu 2 [561913]: Cảnh gặp gỡ, tình tự của Rô-mê-ô và Giu-li-ét luôn phải diễn ra trong khoảng thời gian và không gian như thế nào? Vì sao?
- Cảnh gặp gỡ, tình tự của Rô-mê-ô và Giu-li-ét luôn phải diễn ra trong đêm và ở ban công hoặc căn phòng của Giu-li-ét.
- Nguyên nhân: Mối hận thù giữa hai dòng họ đã ngắn cách đôi trẻ. Hận thù lớn hơn tình yêu, đẩy tình yêu vào trong bóng tối, không cho phép tình yêu được tự do, công khai.
Câu 3 [561914]: Tìm và phân tích những lời đối thoại cho thấy:
a. Tình yêu say đắm giữa Rô-mê-ô và Giu-li-ét.
b. Những rào cản, khó khăn ngáng trở mối tình của họ.
a. Thực tế, tất cả những lời thoại của Rô-mê-ô và Giu-li-ét đều thể hiện tình yêu đắm say họ dành cho nhau. Chẳng hạn:
- VD1:
Giu-li-ét: Chàng làm thế nào mà tới được chốn này? Và chàng tới làm gì? Tường vườn này cao, vượt qua thật khó. Và chàng thử nghĩ lại xem mình là ai? Nếu bị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây thì chàng khó lòng thoát chết.
Rô-mê-ô: Tôi vượt được tường này là nhờ đôi cánh của tình yêu; mấy bức tường đá ngăn sao được ái tình. Mà cái gì tình yêu dám làm là làm được. Người nhà nàng ngăn sao nổi tôi.
⟶ Tình yêu khiến Rô-mê-ô có thể vượt qua mọi trở ngại (mấy bức tường đá ngăn sao được ái tình) bằng sức mạnh phi thường của nó (cái gì tình yêu dám làm là làm được).
- VD2:
Rô-mê-ô: Nàng muốn lấy lại lời thề chăng? Để làm gì vậy, hỡi người yêu quý?
Giu-li-ét: Em chỉ muốn được rộng lòng hào phóng, và tặng chàng lần nữa. Thật ra thì điều em ước, em đã có rồi: lòng em mênh mông, tình em thăm thẳm như biển cả. Em càng tặng chàng thì em lại càng có nhiều, vì cả hai đều là vô tận. [...]

⟶ Dù là nữ nhưng Giu-li-ét không ngại ngần giãi bày tình yêu lớn lao, sâu thẳm dành cho Rô-mê-ô (lòng em mênh mông, tình em thăm thẳm như biển cả, cả hai đều là vô tận).
=> Cả hai luôn đồng hướng trong cảm xúc cùng hình dung về nhau trong những vẻ đẹp cao quý, luôn dành cho nhau những cách gọi thể hiện sự trân trọng.
b. Những rào cản, khó khăn ngáng trở mối tình của Rô-mê-ô và Giu-li-ét
- Rào cản vô hình: sự thù hận của hai dòng họ.
- Rào cản hữu hình: bức tường nhà Giu-li-ét (Hồi hai, cảnh II); thời gian ngắn ngủi, không gian xa cách khi Rô-mê-ô bị đi đày (Hồi ba, cảnh V).
Câu 4 [561915]: Hãy chỉ ra sự thay đổi trong âm hưởng chính của tình yêu từ Hồi hai, cảnh II sang Hồi ba, cảnh V. Sự thay đổi này góp phần thể hiện chủ đề của văn bản như thế nào?
- Sự thay đổi trong âm hưởng chính của tình yêu từ Hồi hai, cảnh II sang Hồi ba, cảnh V:
+ Âm hưởng chính trong trích đoạn thuộc Hồi hai, cảnh II là sự chiến thắng của tình yêu trước mọi vật cản (hữu hình - bức tường và vô hình - lòng hận thù). Cả hai đều hiểu rõ sự hận thù của hai dòng họ nhưng họ vẫn can đảm để đến với rung động của trái tim.
+ Âm hưởng chính trong trích đoạn thuộc Hồi ba, cảnh V là sự chiến bại của tình yêu trước số phận và tai ương (ở điểm này, có thể giúp HS nhận thức rõ vai trò của tội lỗi bi kịch chính Rô-mê-ô đã tham dự vào bi kịch này khi chàng giết Ti-bàn). Luôn có những dấu hiệu báo trước cái chết và bi kịch (cách các nhân vật cảm nhận về nhau trước khi chia tay).
- Sự thay đổi này góp phần thể hiện chủ đề ca ngợi tình yêu tự do trong sự đối đầu của nó với sự thù hận, với những luật lệ hà khắc của xã hội phong kiến.
Câu 5 [561916]: Lời thoại nào trong đoạn trích khiến anh/chị cảm thấy thú vị nhất? Vì sao?
HS lựa chọn lời thoại khiến mình cảm thấy thú vị nhất, đồng thời lí giải nguyên nhân khiến mình có cảm xúc đó. Chẳng hạn:
- Lời thoại của Rô-mê-ô: Ấy nhè nhẹ chứ nào! Ánh sáng nào vừa loé trên cửa sổ kia? Đó, phương đông đó, và nàng Giu-li-ét là Mặt Trời. Vừng đông đẹp tươi ơi, hãy hiện ra đi, hãy giết chết ả Hằng Nga đố kị, héo hon và nhợt nhạt vì đau buồn khi thấy kẻ hầu của ả lại đẹp hơn ả. Ả ghen với em thế thì em theo ả làm gì? Bộ cánh đồng cốt của ả xanh xao nhợt nhạt, chỉ hợp với những đồ ngu xuẩn, em hãy vứt nó đi... Ôi người mà ta sùng kính, người mà ta yêu đương! Ôi, giá nàng biết nhỉ!... Nàng đang nói... Không, nàng im lặng... Gì kia? Đôi mắt nàng như lên tiếng, và ta nóng lòng muốn đáp lại ánh mắt nàng... Ta liều quá, nàng có nói với ta đâu. Nguyên là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng, đã tha thiết nhờ mắt nàng lấp lánh chờ đến lúc sao về. Ừ, nếu mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi mày kia thì sao nhỉ? Vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú nọ phải hổ ngươi, như vừng dương làm ánh đèn phải thẹn thùng, còn cặp mắt kia trên bầu trời sẽ rọi khắp khoảng không một làn ánh sáng tưng bừng đến nỗi chim chóc sẽ lên tiếng hót vang vì tưởng là đêm đã tàn. Kìa nàng tì má lên tay! Ước gì ta là chiếc bao tay nhỉ, để được mơn trớn má đào!
- Lí do: Rô-mê-ô không tiếc lời ngợi ca vẻ đẹp của người con gái mình yêu. Chàng đã dùng rất nhiều mĩ từ cùng các hình ảnh so sánh có yếu tố ánh sáng để gợi tả vẻ đẹp rực rỡ của Giu-li-ét. Lời độc thoại cho thấy sự si mê tột độ trong chàng trai si tình.
Câu 6 [561917]: Cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Hồi hai, cảnh II) gợi anh/chị liên tưởng đến cảnh thề nguyền nào trong văn học Việt Nam? Nêu suy nghĩ của anh/chị về điểm giống và khác nhau của những cảnh đó.
- Có thể liên hệ cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Hồi hai, cảnh II) với những bài ca dao về đề tài tình yêu (liên quan đến sự gặp gỡ - tình tự dưới trăng):
                               Đêm trăng thanh, anh mới hỏi nàng:
                               - Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
                               - Đan sàng, thiếp cũng xin vâng
                               Tre non đủ lá, nên chăng hỡi chàng?
hoặc cảnh thề nguyền của Kim Trọng và Thuý Kiều trong trích đoạn Thề nguyền (Truyện Kiều - Nguyễn Du).
- Đối sánh cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Hồi hai, cảnh II) với cảnh thề nguyền của Kim Trọng và Thuý Kiều trong trích đoạn Thề nguyền (Truyện Kiều - Nguyễn Du):
+ Giống nhau:
• Cùng bối cảnh: trong đêm, dưới ánh trăng vằng vặc.
• Cùng thể hiện khát vọng tự do yêu đương của lứa đôi trong sự trói buộc của lễ giáo phong kiến.
+ Khác nhau: Rô-mê-ô chủ động tìm đến Giu-li-ét; Thuý Kiều chủ động sang nhà Kim Trọng tự tình.
Bài tập viết
Câu 7 [561918]: Từ văn bản Thề nguyền và vĩnh biệt (trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét - Uy-li-am Sếch-xpia), viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức sống, sức vươn dậy vượt lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc ở con người.
Đoạn văn trình bày suy nghĩ về sức sống, sức vươn dậy vượt lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc ở con người có thể được triển khai theo nhiều cách. Chẳng hạn:
- Cuộc sống của bất kì ai chúng ta trong chúng ta cũng ít nhiều phải đối diện với những trói buộc, có thể từ khách quan, có thể từ chủ quan. Những trói buộc ấy nhiều lúc trở thành rào cản ngăn trở chúng ta phát triển hoặc sống cuộc sống có ý nghĩa.
- Trước tình cảnh đó, nếu cam chịu, đầu hàng, chúng ta sẽ bị khuất phục. Ngược lại, ta sẽ có cơ hội vượt lên trên nghịch cảnh để được sống cuộc sống tự do, tươi đẹp. Để làm được điều này, chúng ta cần chuẩn bị cho mình bản lĩnh vững vàng, quyết tâm hành động mạnh mẽ,...
(Lưu ý: bổ sung dẫn chứng để hoàn thiện đoạn văn.)