Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [562037]: Văn bản cho anh/chị biết những thông tin gì về số phận của người bản địa trong lịch sử? Nêu nhận xét về những thông tin đó.
- Thông tin về số phận của người bản địa trong lịch sử:
+ Trước thời kì thuộc địa: Người Giê sống ở toàn bộ khu vực nam Bra-xin.
+ Vài thế kỉ trước: Phần lớn người Giê bị ép phải định cư để khai hoá văn minh.
+ Năm 1914: Người Tu-pi chiếm toàn bộ dải bờ biển và bị xoá sổ bởi thực dân. Người Giê rút lui vào vùng hẻo lánh.
+ Sau đó: Chính quyền bỏ mặc để họ sống theo cách của mình. Người Giê quay lại với cuộc sống cổ xưa.
- Nhận xét thông tin: Những người Anh điêng có số phận thật ngặt nghèo, đáng thương. Đây không chỉ là số phận của người Anh điêng ở châu Mỹ nói riêng mà còn là số phận của một cộng đồng dân tộc thiểu số trên toàn thế giới nói chung trong cuộc bành chướng, xâm lược, dồn đuổi của thực dân phương Tây. Sau khi bị người châu Âu xâm lược, người Giê bản địa ở khu vực phía nam Bra-xin đã phải sống khổ cực, bị cưỡng bức định cư. Họ đã bị ép đồng hoá, bị bỏ mặc và lãng quên.
Câu 2 [562038]: Thông tin về cuộc sống của người Giê dưới chế độ thực dân được triển khai qua những dữ liệu nào? Từ những dữ liệu đó, anh/chị có nhận xét gì về mối quan hệ giữa chính quyền thực dân và những người da đỏ bản xử?
- Thông tin về cuộc sống của người Giê dưới chế độ thực dân được triển khai qua những dữ liệu: lui vào những vùng khó thâm nhập; Những lối sống cổ xưa, những kĩ thuật truyền thống tái xuất hiện, nảy sinh từ một quá khứ mà ta sẽ sai lầm khi quên mất sự gần gũi sống động.; người Anh điêng vẫn cứ ưa thích việc quay hay xát mạnh vào nhau hai mẩu gỗ mềm của cái khoan lửa; người đàn ông đi săn trong rừng với cây cung và những mũi tên của một kĩ thuật cũng chắc chắn như kĩ thuật của các dân tộc chưa hề biết đến vũ khí nóng.
- Nhận xét mối quan hệ giữa chính quyền thực dân và những người da đỏ bản xứ: Đây là mối quan hệ xung đột, mâu thuẫn. Trong đó, chính quyền thực dân dùng quyền lực và vũ lực để đồng hoá, khai hoá văn minh cho người dân Anh điêng bản xứ. Nhưng người dân da đỏ kiên quyết từ chối, vẫn giữ lối sống tự do, nguyên thuỷ. Qua đó, chúng ta thấy được sự thay đổi vị thế quyền lực, mặc dù chính quyền thực dân muốn đồng hoá nhưng đã hoàn toàn thất bại, văn hoá bản địa và những giá trị truyền thống của người Anh điêng đã khẳng định sức mạnh của mình trước sự xâm lấn của người da trắng.
Câu 3 [562039]: Phân tích vai trò của người trần thuật xưng “tôi” trong văn bản.
Người trần thuật xưng “tôi” lần đầu tiên tiếp xúc với những người hoang dã, trong khi đi theo một trưởng chi nhánh của cơ quan bảo vệ người Anh điêng trong chuyến đi kiểm tra của ông ta. “Tôi” đã dẫn dắt người đọc tìm hiểu thông tin về số phận của người bản địa trong lịch sử, từ đó khẳng định sức mạnh của họ trước sự xâm lăng của người da trắng.
Trải nghiệm của “tôi” khiến những gì được trần thuật trở nên chân thực, sống động.
Câu 4 [562040]: Các dữ liệu được cung cấp trong văn bản là dữ liệu sơ cấp hay thứ cấp? Giá trị của các dữ liệu đó là gì?
- Các dữ liệu được cung cấp trong văn bản bao gồm cả dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp:
+ Dữ liệu sơ cấp: Các dữ liệu về cuộc sống của người Anh điêng bản xứ:
• Những đồ vật khiến ta trầm tư ấy vẫn còn trong các bộ lạc như là nhân chứng của một thời kì khi người Anh điêng không biết đến nhà ở, quần áo, cũng như vật dụng bằng kim loại.
• Và những khẩu súng trường, súng lục cũ kĩ xưa kia do chính phủ phân phát, thường thấy chúng treo trong những ngôi nhà bỏ hoang, trong khi người đàn ông đi săn trong rừng với cây cung và những mũi tên của một kĩ thuật cũng chắc chắn như kĩ thuật của các dân tộc chưa hề biết đến vũ khí nóng.
+ Dữ liệu thứ cấp: Các dữ liệu về lịch sử của người Anh điêng bản xứ:
• Vào thời kì phát hiện ra xứ sở này, toàn bộ khu vực nam Bra-xin là nơi trú ngụ của những nhóm người có mối quan hệ gần gũi về ngôn ngữ và văn hoá và người ta xếp chung dưới tên gọi là Giê.
• Trong những khu rừng của các bang phía nam: Pa-ra-na và Xan-ta Ca-ta-ri-na những nhóm nhỏ người hoang dã đã tồn tại cho tới thế kỉ XX; có thể còn tồn tại vài nhóm cho tới năm 1935, bị truy đuổi tàn bạo đến mức trong khoảng một trăm năm gần đây nhất họ phải trốn biệt; nhưng phần lớn họ đã bị hao mòn và được chính phủ Bra-xin cho định cư ở nhiều trung tâm vào khoảng năm 1914.
- Giá trị của các dữ liệu:
+ Dữ liệu sơ cấp:
• Tạo bất ngờ, gây sự tò mò, muốn khám phá của độc giả, giúp độc giả hình dung ra cuộc sống của người Anh điêng bản xứ ở một vùng đất xa xôi vào thời kì trước.
• Đập tan các định kiến của người phương Tây đã gán cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên thế giới: man rợ, thấp kém, lạc hậu.
+ Dữ liệu thứ cấp: Giúp người đọc có thể hình dung được bối cảnh lịch sử mà người Anh điêng đã trải qua và số phận của họ. Đồng thời, những dữ liệu này cũng cung cấp những tri thức về lịch sử của châu Mỹ.
Câu 5 [562041]: Hãy cho biết lập trường, quan điểm, thái độ của tác giả được thể hiện trong văn bản. Bằng cách nào anh/chị nhận ra điều đó?
- Tác giả thể hiện lập trường khách quan qua việc cung cấp thông tin sơ cấp và cả thứ cấp. Ông đứng ở vị trí quan sát của cả người bên ngoài và trực tiếp khám phá nền văn hoá, lịch sử người Anh điêng bản địa. Đồng thời, ông cũng tìm hiểu nền văn hoá và lịch sử từ các tài liệu thứ cấp. Tác giả đã lí giải nguồn gốc, căn nguyên dẫn đến quá trình hình thành, phát triển và bảo tồn nền văn hoá bản địa của người Anh điêng.
- Quan điểm của tác giả: Đối thoại với tư tưởng “dĩ Âu vi trung”, tư tưởng thực dân và những định kiến đã tồn tại lâu đời trong xã hội phương Tây về sự lạc hậu của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đồng thời khẳng định sự bình đẳng và đa dạng giữa các nền văn hoá và kêu gọi sự trở về, sống hài hoà với thiên nhiên, giữ gìn bản sắc dân tộc.
- Tác giả thể hiện thái độ ngưỡng mộ đối với vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt và sự tinh tế của nền văn hoá bản địa. Điều này thể hiện qua những cách diễn đạt bộc lộ cảm xúc như: “thất vọng lớn cho tôi”, “họ đã cho tôi một bài học về sự thận trọng và tính khách quan”,...
Câu 6 [562042]: Thông điệp anh/chị nhận được từ văn bản là gì? Đặt trong bối cảnh ra đời của văn bản, theo anh/chị, thông điệp đó có ý nghĩa gì?
- Thông điệp từ văn bản: Hãy tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hoá, cần kêu gọi và đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc khác nhau.
- Đặt trong bối cảnh ra đời của văn bản, thông điệp đó có ý nghĩa khẳng định quyền con người, quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
Gợi ý viết
Đoạn văn trình bày suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn minh và hoang dã có thể triển khai theo hướng:
- Nếu hình dung lịch sử nhân loại là một cái cây thì “hoang dã” là phần gốc và “văn minh” là phần thân, cành, lá, ngọn. Theo đó, “văn minh” là sự phát triển, trường tồn từ gốc rễ “hoang dã” sâu bền.
- “Văn minh” không đối lập với “hoang dã” mà cùng với “hoang dã” làm nên vẻ đẹp của nhân loại.
Bài tập viết
Câu 7 [562043]: Văn bản gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa văn minh và hoang dã? Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị.