Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [562044]: Xác định đề tài, bố cục và thông tin chính của từng phần.
- Đề tài: Vấn đề ô nhiễm môi trường.
- Bố cục:
+ Phần thứ nhất: Bằng chứng về sự ô nhiễm nguồn nước được thể hiện rõ ở các vùng di trú của động vật hoang dã trong nước tại Tu-li Lây-kơ, Lâu-ơ Cla-mát, bang Ca-li-phoóc-ni-a và Ấp-pơ Cla-mát Lây-kơ, nằm trên đường biên giới của bang Ô-rê-gân.
+ Phần thứ hai: Cách thức hoá chất thông qua nước len lỏi vào vòng tuần hoàn của tự nhiên để gây ra sự ô nhiễm và cái chết của các loài chim lặn,…
+ Phần thứ ba: Ảnh hưởng của hoá chất độc hại có trong nước đến sức khoẻ con người.
Câu 2 [562045]: Nhận xét mối quan hệ giữa nhan đề và nội dung của văn bản. Đề xuất một nhan đề khác cho văn bản và cho biết cơ sở lựa chọn.
- Nhan đề rất phù hợp và khái quát được nội dung của văn bản. Các thông tin chính trong văn bản đều tập trung làm rõ thực trạng ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt Trái Đất, cách thức hoá chất gây ô nhiễm và hậu quả của vấn đề này.
- Dựa trên các thông tin chính được trình bày trong văn bản, có thể đề xuất nhan đề: Ô nhiễm nước trên bề mặt Trái Đất - thực trạng, nguyên nhân và hậu quả.
Câu 3 [562046]: Văn bản trình bày thông tin theo kiểu bố cục nào? Kiểu bố cục ấy có tác dụng gì trong việc tạo nên sự mạch lạc của văn bản?
- Văn bản trình bày thông tin theo trật tự logic:
+ Trình bày những bằng chứng cho thấy không những nước ngầm mà ngay cả nước chảy trên mặt đất như ở các khe suối, sông hay nước tưới tiêu đều đang dần bị ô nhiễm.
+ Trình bày cách thức mà các loại hoá chất DDT, DDD và DDE thông qua nước len lỏi vào vòng tuần hoàn của tự nhiên để gây ô nhiễm, làm chết các loài sinh vật và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
=> Kiểu bố cục khiến các nội dung được trình bày trong văn bản rõ ràng, mạch lạc, bám sát đề tài.
Câu 4 [562047]: Xác định (những) thông tin cơ bản và chi tiết của phần văn bản: “Khi đất và mặt nước bị nhiễm thuốc diệt sinh vật gây hại... hoà vào vùng biển ngầm rộng lớn trong lòng đất”. Vẽ sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa (những) thông tin cơ bản và thông tin chi tiết.
- Thông tin cơ bản: Khi đất và mặt nước bị nhiễm thuốc diệt sinh vật gây hại cũng như các loại hoá chất khác, có nguy cơ không chỉ là chất độc mà cả chất gây ung thư đã được đưa vào nguồn nước công cộng.
- Thông tin chi tiết:
+ Tiến sĩ W.C. Hiếu-pơ, Viện Ung thư Quốc gia, cảnh báo “nguy cơ mắc bệnh ung thư do việc sử dụng nước uống bị nhiễm hoá chất sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần”.
+ Một nghiên cứu được thực hiện tại Hà Lan vào đầu những năm 1950 cũng đồng tình với quan điểm của tiến sĩ W.C. Hiếu-pơ khi cho rằng nguồn nước bị ô nhiễm có nguy cơ gây ra bệnh ung thư. Những thành phố nhận được nguồn nước uống từ các con sông sẽ có tỉ lệ người chết vì ung thư cao hơn nơi mà người dân nhận được nước uống từ nguồn ít bị ô nhiễm hơn như nước giếng.
+ A-xê-nít, một chất có trong môi trường và là nguyên nhân gây ra ung thư ở người, đã có mặt trong hai sự việc từng xảy ra, trong đó những nguồn nước bị ô nhiễm là tác nhân gây bệnh ung thư.

Câu 5 [562048]: Tác giả thể hiện thái độ và quan điểm như thế nào về sự tác động của hoá chất có trong nước đến con người? Anh/Chị đồng tình hay không đồng tình với quan điểm này? Vì sao?
- Tác giả bày tỏ thái độ quan ngại khi chúng ta giải quyết một vấn đề nhỏ (tiêu diệt loài muỗi mắt) bằng một cách thức nguy hiểm là sử dụng các hoá chất độc hại, thậm chí có thể gây ung thư. Nói cách khác, giải pháp này đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn cho môi trường và sức khoẻ của con người.
- HS tự do trình bày ý kiến của mình (đồng tình hoặc không đồng tình) với quan điểm của tác giả, miễn là trình bày được lí do thuyết phục. Chẳng hạn:
+ Đồng tình với quan điểm của tác giả.
+ Lí do: Hậu quả từ việc tiêu diệt loài muỗi mắt bằng cách thức nguy hiểm là quá lớn và dai dẳng.
Câu 6 [562049]: Dữ liệu được sử dụng trong đoạn văn “Thật vậy, một nghiên cứu được thực hiện ... hai sự việc từng xảy ra” thuộc loại nào?
Loại dữ liệu được sử dụng trong đoạn văn là dữ liệu thứ cấp vì đây là dữ liệu do tác giả cung cấp, lấy từ nguồn dữ liệu sơ cấp là một nghiên cứu được thực hiện ở Hà Lan vào đầu những năm 1905. Nghiên cứu này cho rằng nguồn nước bị ô nhiễm có khả năng gây ra bệnh ung thư.
Câu 7 [562050]: Dữ liệu và thông tin được cung cấp trong văn bản có bảo đảm yêu cầu về tính mới mẻ, cập nhật và có độ tin cậy không? Vì sao?
- Dữ liệu và thông tin trong văn bản có tính mới mẻ, cập nhật ở thời điểm nó ra đời (năm 1962) vì đã lần đầu tiên làm rõ những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sống do thuốc trừ sâu gây ra và bày tỏ sự quan ngại khi chính phủ Mỹ cho phép những hoá chất độc hại được sử dụng tràn lan trước khi chúng được đánh giá chính xác tác động đối với môi trường. Nhờ đó, năm 1972, thuốc trừ sâu sử dụng hoá chất DDT đã bị cấm sử dụng ở Mỹ.
- Dữ liệu được cung cấp trong văn bản cũng có độ tin cậy cao vì nó được mô tả, tổng hợp, diễn giải từ các nguồn dữ liệu sơ cấp có uy tín và giá trị, những bằng chứng về sự ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt Trái Đất được trình bày rõ ràng; với những số liệu cụ thể.
Câu 8 [562051]: Theo anh/chị, tác giả có dụng ý gì khi trình bày bằng chứng về sự ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt Trái Đất trước khi cung cấp thông tin về hậu quả của nó?
Tác giả trình bày bằng chứng về sự ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt Trái Đất để người đọc tin tưởng đây là một hiện tượng có thật, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và sức khoẻ con người, từ đó, người đọc sẽ dự đoán được những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Việc trình bày theo kiểu này vừa đáp ứng mục đích chính là cung cấp thông tin cho người đọc về thực trạng ô nhiễm nguồn nước trên bề mặt Trái Đất và hậu quả vừa làm tăng tính thuyết phục, hấp dẫn cho văn bản.
Gợi ý viết
Đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường có thể được triển khai theo hướng:
- Môi trường sống của con người và muôn loài đang bị huỷ hoại nghiêm trọng kéo theo những hậu quả khôn lường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của vạn vật.
- Nỗ lực bảo vệ môi trường là cách duy nhất để con người và muôn loài duy trì sự sống.
(Lưu ý: Bổ sung dẫn chứng để hoàn thiện đoạn văn.)
Bài tập viết
Câu 9 [562052]: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường.