Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [561994]: Văn bản Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp gồm mấy phần? Hãy nêu nội dung chính của từng phần.
Bố cục văn bản Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp; nội dung chính của từng phần
- Bố cục: hai phần (được thể hiện qua các đề mục)
+ Phần một: Cuộc đời của Hồ Chí Minh, một vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới
+ Phần hai: Sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh, một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam
Câu 2 [561995]: Dựa vào văn bản trên, anh/chị hãy trình bày những điểm nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh bằng một sơ đồ.
Sơ đồ về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Câu 3 [561996]: Từ nội dung bài học, phân tích và làm sáng tỏ hai điểm sau:
a. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng của Người;
b. Đó là một sự nghiệp văn học lớn lao và phong phú.
a. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn gắn chặt với sự nghiệp cách mạng của Người
Hồ Chí Minh viết thơ văn để làm cách mạng. Với Người, văn chương là một thứ vũ khí để chiến đấu, giành lại độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân.
- Các sáng tác văn chương của người, dù viết theo thể loại nào cũng nhằm mục đích chính trị:
+ Văn nghị luận nhằm mục đích đấu tranh chính trị, phục vụ cách mạng qua các chặng đường lịch sử:
• Đầu thế kỉ XX, nhiều bài báo chính luận đăng trên các tờ báo Người cùng khổ, Nhân đạo,...; tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã vạch trần chính sách vô nhân đạo, tội ác và sự lừa dối của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa.
• Năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
• Sau năm 1945, nhiều tác phẩm nghị luận, các bài viết được viết trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966), Di chúc (1969).
+ Truyện (1922 - 1925) thường nhân một sự kiện, sự việc, câu chuyện có thật nhằm phê phán, lên án bè lũ cướp nước, bán nước (như Toàn quyền Va-ren, vua Khải Định,...) đồng thời ngợi ca những tấm gương yêu nước (Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu,...).
+ Thơ ca: Nhật kí trong tù (1942 - 1943) vừa là bức tranh hiện thực đầy cảnh bất công, tàn bạo dưới chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch vừa phản ánh tâm hồn, tình cảm nhân đạo, ý chí kiên cường và nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh.
b. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một sự nghiệp văn học lớn lao và phong phú
- Tính chất lớn lao được thể hiện ở:
+ Số lượng tác phẩm: Trước khi là nhà thơ, nhà văn, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng. Chính người đã tự thừa nhận Ngâm thơ ta vốn không ham nhưng thực tế người vẫn sáng tác hàng trăm tác phẩm.
+ Mục đích: Hồ Chí Minh viết văn, làm thơ không phải để giải khuây. Văn chương với Người luôn hướng đến mục đích lớn nhất là vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân.
- Tính chất phong phú được thể hiện qua sự đa dạng trong:
+ Thể loại văn học mà Người viết: văn nghị luận, thơ ca (thơ tuyên truyền, thơ nghệ thuật), truyện và kí.
+ Bút pháp linh hoạt: vừa cổ điển vừa hiện đại; vừa hào sảng, mạnh mẽ, đanh thép và truyền cảm vừa trào phúng, châm biếm sâu cay;...
Câu 4 [561997]: Vì sao có thể nói: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một phong cách đa dạng mà thống nhất?
Phong cách nghệ thuật đa dạng mà thống nhất của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Phong cách nghệ thuật đa dạng được thể hiện qua đề tài, mục đích, nội dung, thể loại và cách viết rất khác nhau:
+ Truyện, kí: chủ yếu hướng đến công chúng Pháp nên viết bằng tiếng Pháp với văn phong hài hước, châm biếm kiểu Pháp.
+ Văn nghị luận thường đề cập đến các vấn đề thuộc về dân tộc, nhân dân với lời lẽ hào sảng, mạnh mẽ, đanh thép và truyền cảm.
+ Thơ ca:
• Thơ nghệ thuật phần nhiều viết bằng chữ Hán, cô đọng, hàm súc, bộc lộ tâm hồn sâu sắc và tinh tế của Hồ Chí Minh (hồn nhiên, lạc quan mà thâm trầm; trẻ trung, hiện đại mà đậm đà phong vị cổ điển; đầy chí khí mà chan chứa tình người; nặng lòng lo việc nước mà vẫn dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên;...).
• Thơ tuyên truyền viết bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng châm ngôn, tục ngữ, ca dao, hò, vè nôm na, dễ thuộc, dễ nhớ.
- Tính thống nhất được thể hiện qua:
+ Mục đích: vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân.
+ Nội dung các sáng tác của Người chủ yếu tập trung vào đề tài chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
+ Lối viết của Người bao giờ cũng ngắn gọn, trong sáng, giản dị, phù hợp với đối tượng; rất linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các thể loại, ngôn ngữ và bút pháp nghệ thuật đa dạng.
Câu 5 [561998]: Anh/Chị hiểu như thế nào về nhận xét: “Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá đối với dân tộc Việt Nam.”?
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá đối với dân tộc Việt Nam.
- Văn học là một bộ phận của văn hoá, thuộc về giá trị tinh thần.
- Các sáng tác văn chương của Hồ Chí Minh luôn hướng đến mục đích lớn nhất là độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân - tài sản vô giá đối với một quốc gia, một dân tộc. Ý kiến đã khẳng định giá trị vô cùng lớn lao được mang đến từ sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Bài tập viết
Câu 6 [561999]: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ngắn gọn những nét chính về quan điểm sáng tác văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Đoạn văn cần bảo đảm các ý:
Quan điểm sáng tác văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh:
- Văn chương nghệ thuật phải có tính chiến đấu, văn học là một mặt trận, nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận ấy.
- Đề cao tính chân thật và tính dân tộc của văn học.
- Phương châm sáng tác rõ ràng: Viết cho ai?, Viết để làm gì?, Viết cái gì?Viết như thế nào?
⟶ Quan điểm sáng tác đúng đắn như ngọn hải đăng soi rọi toàn bộ quá trình sáng tác của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.