Câu hỏi hướng dẫn đọc
Câu 1 [562000]: Xác định các thông tin chính của văn bản. Văn bản đã sử dụng (những) kiểu bố cục nào để trình bày thông tin?
Các thông tin chính và (những) kiểu bố cục của văn bản
- Thông tin chính: những chứng tích vật chất quan trọng chứng minh việc sáng chế nỏ bắn cùng nhiều mũi tên thời kì An Dương Vương là có thật:
+ Những khuôn đá sa thạch dùng để đúc mũi tên và lao đồng
+ Di tích lò đúc đồng với những mang khuôn nguyên vẹn, mang khuôn vỡ,...
+ Bộ sưu tập khuôn đúc mũi tên đồng
- Các kiểu bố cục của văn bản:
+ Tổ chức thông tin theo trật tự nhân quả: từ bằng chứng là những chứng tích vật chất như, di tích lò đúc đồng với các mang khuôn, bộ sưu tập khuôn đúc mũi tên đồng,... và bộ sưu tập khuôn đúc mũi tên đồng, văn bản đi đến sự khẳng định trình độ kĩ thuật và tư duy bậc thầy của các nghệ nhân luyện kim thời Việt cổ và việc danh tướng Cao Lỗ sáng chế ra loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên là có thật chứ không chỉ là truyền thuyết.
+ Tổ chức thông tin theo quan hệ so sánh: thông tin về những khuôn đá sa thạch dùng để đúc mũi tên và lao đồng cùng thông tin về di tích lò đúc đồng và bộ sưu tập khuôn đúc mũi tên đồng được trình bày theo đặc điểm tương đồng: chúng đều là những chứng tích vật chất tầm cỡ bảo vật, độc bản, hiện tượng khảo cổ nổi tiếng.
Câu 2 [562001]: Trong các thông tin chính của văn bản, người viết chọn (những) thông tin nào để trình bày chi tiết? Từ đó, nhận xét về cách chọn lọc thông tin của văn bản.
Trong các thông tin chính của văn bản, người viết chọn thông tin nào về những mang khuôn đúc bằng đá để trình bày chi tiết. Bởi theo các chuyên gia, đây là những hiện vật gốc, độc bản được phát hiện ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt, được tôn xưng bằng một danh từ riêng: mũi tên đồng Cổ Loa. Phát hiện này vô cùng quan trọng và có giá trị để giải mã bí mật huyền thoại về nỏ thần thời kì An Dương Vương.
Như vậy, có thể thấy cách chọn lọc thông tin của tác giả dựa trên giá trị cốt lõi của chính thông tin đó so với các thông tin khác.
Câu 3 [562002]: Xác định loại dữ liệu được sử dụng trong đoạn văn: Ông Hoàng Công Huy - lãnh đạo Ban Quản lí Khu di tích Cổ Loa ... Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg. Loại dữ liệu ấy giữ vai trò gì trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản?
Dữ liệu được sử dụng trong đoạn văn: Ông Hoàng Công Huy - lãnh đạo Ban Quản lí Khu di tích Cổ Loa ... Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg là dữ liệu thứ cấp.
Dữ liệu này được cung cấp bởi một người có chuyên môn, có trách nhiệm nên có ý nghĩa cung cấp thêm cho người đọc hiểu biết về giá trị, của những mang khuôn và khuôn đúc mũi tên đồng trong việc phản ánh trình độ phát triển của nước Việt cổ.
Câu 4 [562003]: Hãy đánh giá về tính mới mẻ, cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu, thông tin được trình bày trong văn bản.
Tính mới mẻ, cập nhật, độ tin cậy của dữ liệu, thông tin được trình bày trong văn bản
- Tính mới mẻ, cập nhật: Các số liệu, tư liệu, hình ảnh được đưa vào văn bản đều rất mới, chính xác, rõ ràng, có thể kiểm tra được (tại nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa)
- Độ tin cậy thể hiện qua:
+ Thông tin về kết quả thám sát và khai quật của các nhà khảo cổ học; Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban Quản lí Di tích và Danh thắng Hà Nội.
+ Sự hiện hữu của các chứng tích vật chất được lưu giữ, bảo quản trong Nhà trưng bày khu di tích Cổ Loa.
+ Người cung cấp dữ liệu có đủ thẩm quyền và uy tín: ông Hoàng Công Huy - lãnh đạo Ban Quản lí Khu di tích Cổ Loa.
+ Thông tin ngày 31/12/2020, bộ sưu tập khuôn đúc Cổ Loa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg.
Câu 5 [562004]: So sánh hiệu quả biểu đạt của văn bản trong hai trường hợp: có sử dụng hình minh hoạ (Ảnh: Khuôn đúc mũi tên đồng thời An Dương Vương) và không sử dụng hình ảnh.
Việc sử dụng hình ảnh minh hoạ (Ảnh: Khuôn đúc mũi tên đồng thời An Dương Vương) rõ ràng gia tăng độ tin cậy cho thông tin được cung cấp trong văn bản. Hiệu quả biểu đạt này không thể có khi văn bản không sử dụng hình ảnh.
Câu 6 [562005]: Qua văn bản, người viết đã thể hiện thái độ như thế nào đối với văn hoá dân tộc? Thái độ ấy gợi cho anh/chị (những) suy nghĩ gì?
Người viết đã thể hiện thái độ tự hào cùng lòng tự tôn dân tộc trước các bằng chứng vật chất khẳng định chiều dài lịch sử, bề dày văn hoá, văn minh của dân tộc ta.
Thái độ của người viết đã lan toả trong người đọc những tình cảm đẹp đẽ, bồi đắp thêm trong người đọc lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đồng thời khơi gợi ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và tiếp nối những thành quả của quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông.
Bài tập viết
Câu 7 [562006]: Tìm đọc truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hình ảnh nỏ thần được thể hiện trong truyền thuyết trên và trong thực tế lịch sử.
- HS tham khảo đoạn trích rút từ truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ sau đây:
[...]
Rùa Vàng ở lại ba năm rồi từ biệt ra về. Vua cảm tạ nói: “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng đáp : “Vận nước suy thịnh, xã tắc an nguy đều do mệnh trời, con người có thể tu đức mà kéo dài thời vận. Nhà vua ước muốn ta có tiếc chỉ”. Bèn tháo vuốt đưa cho nhà vua mà nói: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”. Dứt lời, trở về biển Đông.
Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy. Gọi là nỏ “Linh quang Kim Quy thần cơ”. Về sau Triệu Vương là Đà cử binh xâm lược phương Nam, cùng vua giao chiến. Vua lấy nỏ thần ra bắn, quân Đà thua lớn, chạy về Trâu Sơn đắp luỹ không dám đối chiến, bèn xin hòa [...].

(Dẫn theo Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011)
- Đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về hình ảnh nỏ thần được thể hiện trong truyền thuyết và trong thực tế lịch sử có thể triển khai theo hướng:
+ Hình ảnh nỏ thần trong truyền thuyết và trên thực tế đều gắn với các nhân vật lịch sử có thật như vua An Dương Vương, Cao Lỗ và ý thức sâu sắc của nhà vua về an ninh quốc gia.
+ Hình ảnh nỏ thần trong truyền thuyết gắn liền với yếu tố kì ảo (lẫy được làm từ vuốt Rùa Vàng, nỏ thần bắn trăm phát trăm trúng).
Hàng nghìn di vật mũi tên đồng được tìm thấy ở di tích Cổ Loa là bằng chứng chứng tỏ trình tỏ trình độ kĩ thuật và tư duy bậc thầy của các nghệ nhân luyện kim thời Việt cổ. Những kết quả nghiên cứu khảo cổ đã chứng minh việc danh tướng Cao Lỗ sáng chế ra loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên là có thật.
+ Hình ảnh nỏ thần được thể hiện trong truyền thuyết và trong thực tế lịch sử tuy khác nhau về tính chất (kì ảo/ thực tế) nhưng đều thể hiện khát vọng có được thứ vũ khí lợi hại để tự cường, độc lập dân tộc.