BÀI ĐỌC 2: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 11 đến 20
VIỆT NAM CHẾ TẠO THÀNH CÔNG MÁY THU ĐỊNH VỊ TOÀN CẦU GNSS
[1] Lần đầu tiên, Việt Nam chế tạo thành công máy thu định vị toàn cầu GNSS với nhiều tính năng mới, nổi bật, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành như hàng không, quốc phòng, giao thông thủy, giao thông minh, máy bay không người lái.
[2] Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các nước có nền kinh tế, công nghiệp vũ trụ và quốc phòng mạnh trên thế giới đều đầu tư phát triển hệ thống định vị toàn cầu mạnh mẽ trong những năm qua.
[3] Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ định vị dựa trên hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (Global Navigation Satellite System – GNSS). Đây là công nghệ cho phép xác định các thông tin vị trí của người sử dụng tại bất kỳ điểm nào trên mặt đất. GNSS đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ quốc phòng đến giao thông vận tải, cứu hộ cứu nạn, trắc địa bản đồ, dẫn đường hàng hải, hàng không.
[4] Tại Việt Nam những năm qua, các ứng dụng liên quan đến hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu được triển khai trong rất nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống kinh tế và xã hội như ứng dụng trong đo đạc bản đồ và thu thập các thông tin địa lý, quản lý đất đai và môi trường, hỗ trợ định vị và tìm kiếm trong các trường hợp khẩn cấp như bão, động đất, lũ. Quản lý vị trí của hệ thống giao thông như hệ thống xe buýt, xe cấp cứu, cứu hoả, điều hành hệ thống taxi.
[5] Tuy nhiên, việc nghiên cứu phát triển kiến trúc các bộ thu vô tuyến, bao gồm bộ thu GNSS ở Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, trong khuôn khổ chương trình Nghị định thư của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp Trường Đại học Milano của Ý triển khai nghiên cứu phát triển máy thu định vị toàn cầu GNSS đa kênh dựa trên kỹ thuật đổi tần trực tiếp và hệ thống anten thông minh.
[6] Trong hai năm, các nhà khoa học của Đại học Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Đại học Milano của Ý, do GS Riccardo Enrico Zich - tác giả của nhiều công bố khoa học trong lĩnh vực này đã chế tạo thành công thiết bị mẫu (prototype) bộ thu GNSS đa kênh tích hợp hệ anten thông minh. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có thiết bị này. Trên thế giới, số lượng các thiết bị này cũng không nhiều. Thành công này mở ra nhiều cơ hội ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh trong phát triển kinh tế xã hội.
[7] PGS Nguyễn Hữu Trung chia sẻ, một trong những ứng dụng quan trọng có thể triển khai ngay là giao thông đô thị. “Mục tiêu mà nhiệm vụ đặt ra là phát triển bộ thu định vị có khả năng hỗ trợ giao thông đô thị. Nhiệm vụ này có thể coi là một đề án tiền khả thi cho việc hiện đại hóa và việc ứng dụng các hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông vào lĩnh vực giao thông đô thị nói riêng cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống nói chung”, PGS Trung nói.
[8] PGS Trung cho biết thêm, quy trình công nghệ thiết kế chế tạo thiết bị và dịch vụ định vị độ bền vững cao chứa đựng hàm lượng chất xám công nghệ lớn. Do đó, nếu được phát triển thành thương phẩm thì có khả năng cạnh tranh giá thành và chất lượng đáp ứng yêu cầu.
[9] Nhóm nghiên cứu hướng đến các ngành ứng dụng cụ thể gồm hàng không, quốc phòng, giao thông đường thủy và thủy quân, xây dựng, mỏ và công nghiệp, giao thông thông minh (ITS), các dịch vụ an ninh công cộng (Public services), điều phối khi xảy ra tai nạn, phối hợp tác chiến, dịch vụ cung cấp thời gian chính xác. Dịch vụ LBS (cung cấp vị trí trong mọi điều kiện) và phương tiện bay không người lái UAV.
[10] “Chúng tôi đang hướng đến nhiều hình thức chuyển giao công nghệ như chuyển giao công nghệ trọn gói, chuyển giao công nghệ có đào tạo, chuyển giao theo hình thức trả dần theo tỷ lệ % doanh thu, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hoặc góp vốn hoặc tự thành lập doanh nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu tạo ra”, ông Trung nói.
[11] Cùng với khả năng ứng dụng thực tế, sản phẩm cũng đóng góp phát triển công nghệ định vị vệ tinh đa kênh, đóng góp một kiến trúc mới về công nghệ phát triển các bộ thu GNSS, đóng góp một phương pháp thu đa kênh dùng anten thông minh, giúp đất nước sở hữu một số công nghệ ứng dụng quan trọng trong thông tin viễn thông và lĩnh vực thiết kế chế tạo thiết bị vô tuyến.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ
Câu 1 [577417]: Ý nào sau đây thể hiện rõ nhất nội dung chính của bài đọc trên?
A, Giới thiệu máy thu định vị toàn cầu GNSS.
B, Giới thiệu hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GNSS.
C, Giới thiệu PGS Nguyễn Hữu Trung và nhóm nghiên cứu của Đại học Bách Khoa.
D, Giới thiệu tiềm năng trong lĩnh vực thiết kế chế tạo thiết bị vô tuyến.
Ý chính của các đoạn trong bài:
Đoạn 1-4: Vai trò và các ứng dụng của máy thu định vị toàn cầu GNSS.
Đoạn 5-6: Giới thiệu nghiên cứu phát triển bộ thu GNSS của trường Đại học Bách Khoa.
Đoạn 7-10: Những ứng dụng tiềm năng của bộ thu GNSS.
Đoạn 11: Ý nghĩa của việc chế tạo thành công bộ thu GNSS.
Tổng hợp các ý trên, ta có ý chính của toàn bài là: “Giới thiệu máy thu định vị toàn cầu GNSS.” Đáp án: A
Câu 2 [577418]: Theo đoạn [1], [2], PGS.TS Nguyễn Hữu Trung mong muốn đạt được điều gì khi nghiên cứu GNSS?
A, Khiến Việt Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh mẽ nhất về kinh tế - xã hội, đạt vị trí số 1 tại Đông Nam Á.
B, Khiến Việt Nam trở thành quốc gia phát triển mạnh về kinh tế, công nghệ vũ trụ và quốc phòng.
C, Phát triển mảng Điện tử - Viễn thông tại Việt Nam từ những nghiên cứu của trường đại học, các đơn vị giáo dục.
D, Phát triển Viện Điện tử - Viễn thông của trường Đại học Bách khoa Hà Nội tương tự như các quốc gia phát triển.
HS đọc đoạn [1] - [2], đoạn có đề cập các thông tin như “Lần đầu tiên, Việt Nam chế tạo thành công máy thu định vị toàn cầu GNSS..” và “các nước có nền kinh tế, công nghiệp vũ trụ và quốc phòng mạnh trên thế giới đều đầu tư phát triển hệ thống định vị toàn cầu mạnh mẽ”. Dựa vào các thông tin này, xác định PGS.TS Nguyễn Hữu Trung mong muốn từ việc chế tạo thành công máy thu, giúp Việt Nam có thể phát triển như các nước mạnh về kinh tế, công nghiệp vũ trụ và quốc phòng trên thế giới. Đáp án đúng là B. Đáp án: B
Câu 3 [577419]: Theo đoạn [4], GNSS KHÔNG được sử dụng cho mục đích nào dưới đây?
A, Đo đạc và vẽ bản đồ.
B, Xác định vị trí của phương tiện giao thông.
C, Định vị nạn nhân trong vùng lũ lụt.
D, Thu thập thông tin dân số và địa lý.
Dựa vào thông tin trong đoạn [4] để lựa chọn đáp án phù hợp: “...ứng dụng trong đo đạc bản đồ và thu thập các thông tin địa lý, quản lý đất đai và môi trường, hỗ trợ định vị và tìm kiếm trong các trường hợp khẩn cấp như bão, động đất, lũ. Quản lý vị trí của hệ thống giao thông …”. Đáp án đúng là D. Đáp án: D
Câu 4 [577420]: Chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ đoạn [5]?
A, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất bộ thu GNSS từ lâu.
B, Bộ thu GNSS được Đại học Bách khoa độc lập nghiên cứu và phát triển.
C, Máy thu GNSS được nghiên cứu sử dụng công nghệ thu đơn kênh.
D, Máy thu GNSS là một loại bộ thu tín hiệu vô tuyến.
Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất bộ thu GNSS từ lâu. → Sai, việc nghiên cứu phát triển kiến trúc các bộ thu vô tuyến, bao gồm bộ thu GNSS ở Việt Nam còn hạn chế.
Bộ thu GNSS được Đại học Bách khoa độc lập nghiên cứu và phát triển. → Sai, ĐH BK kết hợp với ĐH Milano để phát triển.
Máy thu GNSS được nghiên cứu sử dụng công nghệ thu đơn kênh. → Sai, máy thu GNSS sử dụng công nghệ thu đa kênh.
Máy thu GNSS là một loại bộ thu tín hiệu vô tuyến. → Đúng, thông tin tại dòng 19: “Tuy nhiên, việc nghiên cứu phát triển kiến trúc các bộ thu vô tuyến, bao gồm bộ thu GNSS ở Việt Nam còn hạn chế”. Đáp án: D
Câu 5 [577421]: Vai trò của GS Riccardo Enrico Zich trong nghiên cứu của ĐH Bách Khoa là đối tác thương mại.
Đúng hay Sai?
A. Đúng.
B. Sai.
GS Riccardo Enrico Zich là nhân vật thuộc trường Đại học Milano của Ý và cùng tham gia vào nghiên cứu, phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Theo đoạn [6], GS Riccardo Enrico Zich là người có nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực này, nên vai trò là đối tác thương mại là không chính xác. Mệnh đề trên là “Sai”.
Câu 6 [577422]: Dựa vào đoạn [6], có thể rút ra rằng: Việc kết hợp với Đại học Milano đã giúp nghiên cứu hoàn thành tốt đẹp, cung cấp được cho thị trường những sản phẩm hoàn thiện, tuy giới hạn về số lượng. Đúng hay Sai?
A. Đúng.
B. Sai.
Đọc đoạn [6], căn cứ vào thông tin được cung cấp: “đã chế tạo thành công thiết bị mẫu (prototype) bộ thu GNSS đa kênh”, xác định mệnh đề này là “Sai” do mâu thuẫn với thông tin được đề cập trong mệnh đề: “những sản phẩm hoàn thiện” được cung cấp cho thị trường để tiêu thụ.
Câu 7 [577423]: Theo PGS Nguyễn Hữu Trung, sản phẩm máy thu GNSS sẽ được ưu tiên ứng dụng trong lĩnh vực:
A, An ninh, quốc phòng.
B, Trắc địa bản đồ.
C, Giao thông đô thị.
D, Phương tiện bay không người lái.
Thông tin tại đoạn[7]: “PGS Nguyễn Hữu Trung chia sẻ, một trong những ứng dụng quan trọng có thể triển khai ngay là giao thông đô thị”. Cụm từ này cũng được nhắc lại nhiều lần trong đoạn nên đáp án đúng là C. Đáp án: C
Câu 8 [577424]: Theo đoạn 8, PGS.TS Nguyễn Hữu Trung cho rằng:
A, Sản phẩm bộ thu GNSS có tiềm năng xuất khẩu cao.
B, Sản phẩm bộ thu GNSS có thể được sử dụng trong công tác giảng dạy.
C, Sản phẩm bộ thu GNSS có tiềm năng thương mại hóa cao.
D, Sản phẩm bộ thu GNSS có chứa nhiều linh kiện được sản xuất nội địa.
Thông tin tại dòng cuối của đoạn: “Do đó, nếu được phát triển thành thương phẩm thì có khả năng cạnh tranh giá thành và chất lượng đáp ứng yêu cầu.”. Đáp án đúng là C. Đáp án: C
Câu 9 [577425]: Ý nào dưới đây thể hiện gần đúng nhất nội dung chính của đoạn cuối?
A, Cơ chế hoạt động của bộ thu GNSS.
B, Ý nghĩa của việc chế tạo thành công bộ thu GNSS.
C, Các công nghệ được sử dụng trong bộ thu GNSS.
D, Định hướng hoàn thiện bộ thu GNSS.
Trong đoạn cuối, tác giả sử dụng nhiều lần cấu trúc “…đóng góp cho…” nhằm nêu bật ý nghĩa của nghiên cứu chế tạo thành công bộ thu GNSS. Đáp án: B
Câu 10 [577426]: Từ nội dung của đoạn [6] - [11] của văn bản, hoàn thành đoạn dưới đây bằng cách kéo thả từ/cụm từ phụ hợp vào đoạn trích:
Từ việc phối hợp với đơn vị [___________], Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thành công trong việc chế tạo thiết bị bộ thu [___________] đa kênh. Thiết bị này được kì vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích đặc biệt về kinh tế - xã hội và có tiềm năng lớn trong phát triển [___________].
Căn cứ vào đoạn [6] và đoạn [11] của bài viết, xác định các thông tin liên quan và kéo thả các từ ngữ vào vị trí phù hợp:
[vị trí thả 1] : giáo dục
[vị trí thả 1] : GNSS
[vị trí thả 1] : công nghệ